Tin tức - Sự kiện

Kinh tế chuyển biến nhưng còn thách thức

Dù đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến của nền kinh tế, nhưng những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi thách thức còn rất nhiều.

CPI 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% / Cứu sống nạn nhân bị mảnh sắt xuyên thấu từ cổ vào phổi

GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm nay ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 3,72%. Thông tin từ họp báo Công bố số liệu Thống kêKinh tế- xã hội quý II và 6 tháng đầu năm do Tổng Cục Thống kê tổ chức sáng nay (26/6).

Theo Tổng cục Thống kê, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng chung là khu vực dịch vụ. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Khu vực dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống đều có mức tăng trưởng cao.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đã có mức tăng trưởng rất tích cực 3,07%. Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.

Kinh tế chuyển biến nhưng còn thách thức - Ảnh 1.

Khó khăn chung đã khiến kinh tế Việt Nam chưa như kỳ vọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên, tính riêng trong tháng 6 có những tín hiệu tích cực hơn so với tháng 5. Tính chung 6 tháng, ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Kinh tế đã có dấu hiệu chuyển biến

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày… lại phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu từ nước ngoài, vì vậy đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Khó khăn là vậy, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến của nền kinh tế.

Tiêu dùng nội địa là điểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tăng là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động.

 

"Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là trụ cột phát triển kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Người tiêu dùng cũng rất hào hứng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đánh giá.

Nhiều chỉ số sau quãng thời gian dài giảm, đến những tháng cuối quý II đã ghi nhận mức tăng tuy không nhiều nhưng cũng cho thấy sự chuyển biến không nhỏ.

"Quý II, các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tích cực hơn so với quý I khi cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ khó khăn từ nhỏ cho đến những vướng mắc lớn", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

Khó khăn chung đã khiến kinh tế Việt Nam chưa như kỳ vọng, nhưng về căn bản sự ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực gỡ khó cũng đã giữ được các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan vào kinh tế Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

"Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, có nhiều tiềm lực kinh tế. Thị trường nội địa Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh, đạt mức trung lưu. Sự hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp cũng khá mạnh mẽ", ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, nhận định.

 

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đã có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022 cho thấy tình hình doanh nghiệp cũng đã có những chuyển biến nhất định.

Thách thức tăng trưởng trong khó khăn

Dù đã có những dấu hiệu chuyển biến, nhưng những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ. Trong khi những thách thức còn rất nhiều: kinh tế thế giới còn nhiều biến số, kinh tế trong nước còn khó khăn. Tuy nhiên thách thức cũng có thể chính là cơ hội nếu chúng ta chủ động và có giải pháp đúng, kịp thời.

Khách hàng, nhất là ở Mỹ, châu Âu thắt chặt chi tiêu. Những hàng hóa không thiết yếu, như đồ gỗ, bị hạn chế mua sắm. Do đó, Công ty TNHH Kẻ Gỗ đã chuyển đổi từ sản xuất gỗ ván ép, sang làm dao, thìa, dĩa gỗ. Tuy nhiên số đơn hàng cũng chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp đang hy vọng đến cuối năm, khi các quy định cấm đồ nhựa dùng một lần chính thức có hiệu lực, đơn hàng sẽ nhiều hơn.

"Nếu không có sự chuẩn bị này, không có việc đổi mới trong sản phẩm, đổi mới trong thị trường, hoặc đưa ra các sản phẩm mới thì sự biến động của thị trường nó xảy ra, chúng ta không phản ứng kịp, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cho hay.

 

Kinh tế chuyển biến nhưng còn thách thức - Ảnh 2.

Việc giảm thuế VAT 2% có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhưng vẫn cần nhiều biện pháp hơn nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp cũng là thách thức trước mắt. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp tài chính, tài khóa đã được đưa ra, nhưng giảm được độ trễ trong thực hiện chính sách là thách thức không nhỏ để chính sách nhanh chóng phát huy được hiệu quả.

"Việc giảm thuế VAT 2% có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhưng vẫn cần nhiều biện pháp hơn nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng điều quan trọng trong những tháng tới là theo dõi tác động và áp lực có thể có đối với dòng vốn, tỷ giá hối đoái", ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định.

 

Đồng thời, môi trường đầu tư, kinh doanh cần được cải thiện, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

"Chúng tôi mong tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ và dài hạn hơn về thể chế. Những quy định của pháp luật, thủ tục hành chính hiện đang trì hoãn, đang tạo ra chi phí lớn, giảm thiểu tính cạnh tranh", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết.

Ngoài ra, giải ngân đầu tư công cần được đẩy nhanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng. Đây sẽ là những chìa khóa để trong thách thức tìm kiếm được cơ hội cho tăng trưởng những tháng còn lại trong năm nay.

Thời gian qua, không ít các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công đã được đưa ra. Tuy nhiên theo mục tiêu đã đặt ra tăng trưởng cả năm là 6,5%, những tháng cuối năm phải tăng trưởng mạnh mẽ vượt bậc. Đây là bài toán rất khó, cần nỗ lực hết sức của từng doanh nghiệp đến cả hệ thống chính trị.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm