Tin tức - Sự kiện

Kinh tế Việt Nam: Thành công trong khó khăn

2022 là một năm đầy biến động và rất khó lường nhưng kinh tế Việt Nam đã vượt qua các thách thức và đạt mức tăng trưởng 8,02%.

Kinh tế 2022 phục hồi ngoạn mục: Tiền đề thành công trong năm mới / Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát

Dù thực tế Việt Nam đã phải chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, nhưng nhờ quyết định của Quốc hội giảm các loại thuế đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, cùng với các giải pháp điều hành nên chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng có 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Với những bà nội trợ, giá cả hàng ngày không ai sát sao bằng họ. Sựbiến động về giácả lương thực, thực phẩm từ đầu năm đến nay họ đều nắm trong lòng bàn tay.

"Giá cả không tăng, không biến động nhiều nên tâm lý của người nội trợ, đi chợ rất thoải mái", bà Trần Thu Hà - Long Biên, Hà Nội nói.

Ông Chu Thái Thành (Hà Nội) cho hay: "Giá cả tôi thấy không có biến động gì. So với đồng lương của tôi vẫn thấy khá là dễ chịu".

Kinh tế Việt Nam: Thành công trong khó khăn - Ảnh 1.

Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng có 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh minh họa.

Sự chủ động và linh hoạt của cơ quan điều hành, thể hiện cụ thể ở nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã hạn chế những tác động tiêu cực từ cả bên ngoài và bên trong, giúp cho chỉ số giá tiêu dùng được kiềm soát và kiềm chế một cách hiệu quả dù áp lực là rất lớn.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá: "Chúng tôi đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong năm vừa qua, nhất là quý II, khi đã tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, sinh hoạt người dân, qua đó giảm phần nào áp lực tăng giá".

Thu ngân sách Nhà nước về đích sớm

Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, vượt dự toán gần 28%. Đây cũng là năm mà Quốc hội và Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhiều nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Số tiền giãn, giảm và miễn thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính.

Lần đầu tiên tất cả các địa phương trên cả nước đều hoàn thành dự toán thu, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng được bổ sung vào top thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng.

 

Còn Thanh Hóa, từ tỉnh kinh tế khó khăn, năm 2022 thu ngân sách đã trên 50,5 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay khi vượt tới gần 80% dự toán được giao và tăng tới 34% so với năm trước.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng và qui mô nền kinh tế năm nay đạt cao nhất trong 12 năm qua đã tạo nền tảng cho thu ngân sách tăng trưởng ấn tượng.

Vượt thu gần 400 nghìn tỷ đồng là mức cao nhất từ trước đến nay không chỉ giúp ngân sách Nhà nước giảm áp lực bội chi, mà còn góp phần giảm tỷ trọng nợ công xuống dưới 41% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40% GDP, thấp hơn nhiều mục tiêu 60% GDP do Quốc hội đặt ra.

Kinh tế Việt Nam: Thành công trong khó khăn - Ảnh 2.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, vượt dự toán gần 28%. Ảnh minh họa.

Thu tăng mạnh còn giúp ngân sách Nhà nước thặng dư trên 220 nghìn tỷ đồng để làm nguồn chi đầu tư phát triển cho năm nay.

 

"Cuối năm, Chính phủ, Thủ tướng đã phát động khởi công 12 tuyến cao tốc. Đây là những đường băng tạo đà cho kinh tế phát triển trong tương lai. Với nhiệm vụ được giao chúng tôi sẽ đáp ứng các khoản chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, an sinh xã hội và các vấn đề khác", ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Năm 2023, dự báo kinh tế cả trong và ngoài nước tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngành tài chính có nhiều giải pháp giúp tăng thu và giảm chi ngân sách, qua đó góp phần cải thiện dư địa chính sách tài khóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Luôn ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội

Cùng với công tác phục hồi và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có công; bảo đảm an sinh xã hội với các đối tượng chính sách, người nghèo, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến nay gần 104,5 nghìn tỷ đồng đã được hỗ trợ tới hỗ trên 68,43 triệu lượt người lao động và hơn 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm.

 

Cùng với đó, Chính phủ luôn ưu tiên tập trung nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ở vùng đất ngập mặn xã Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh, lúa không thể trồng, còn nuôi tôm vốn quá lớn với các hộ nghèo. Đang tính đi Bình Dương làm thuê thì anh Nguyên được hỗ trợ 10 con dê về nuôi. Chỉ sau 1 năm dê xuất chuồng gia đình anh đã thoát nghèo. Giờ chuồng dê của gia đình anh đã lớn gần 3 lần và mang lại thu nhập hơn 120 triệu/năm.

Các hộ nghèo, yếu thế luôn được ưu tiên bố trí các nguồn lực để thoát nghèo. Là người khuyết tật, anh Dũng (xã Nga Quán, Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) được hỗ trợ cây cảnh để chăm sóc và bán lấy tiền phụ giúp gia đình.

Còn chị Yến vợ anh được hỗ trợ hàng chục nghìn gốc quế giống để phủ xanh 5 ha đất đồi. Sau 5 năm nữa, vườn quế sẽ mang lại 3 tỷ đồng và hoàn toàn giúp gia đình chị thoát nghèo.

Năm 2022, Chính phủ đã tập trung các nguồn lực hỗ trợ đã đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện khó khăn giảm từ 4 - 5%.

 

Luôn ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau là quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với nguồn lực chi cho công tác giảm nghèo trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 lên tới trên 408.000 tỷ đồng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm