Tin tức - Sự kiện

Lâm Đồng: Tập đoàn Tân Mai có nhiều vi phạm tại diện tích đất thuê trồng rừng

DNVN – Theo kết luận của tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng, Tập đoàn Tân Mai đã để 58,68 ha rừng trồng bị phá, 16,69 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nhưng không phát hiện, không lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Lâm Đồng: Khẩn trương điều tra vụ phá rừng chiếm đất / Lại phát hiện phá rừng quy mô lớn ở Đăk Lăk

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kết luận số 2096/KL-UBND kết luận thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và thực hiện các dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện dự án có liên quan đến công tác QLBVR của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đặc biệt là nhiều vi phạm tại diện tích Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Tập đoàn Tân Mai) thuê đất trồng rừng.
Diện tích lớn rừng thông thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, thuộc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai), bị phá năm 2019 (Ảnh: NNVN)

Một diện tích lớn rừng thông thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, thuộc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai), bị phá năm 2019. (Ảnh: NNVN)

Theo Kết luận của UBND tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Tân Mai được thuê 3.245,39 ha đất trên địa bàn 2 huyện Lâm Hà và Đức Trọng. Đây là đất rừng trồng nguyên liệu giấy liên kết với các chủ rừng Nhà nước trước đây.
Thế nhưng, trong quá trình quản lý, Tập đoàn Tân Mai đã để rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp chỉ phát hiện, lập hồ sơ 268 vụ vi phạm. Diện tích còn lại, gồm: 58,68 ha rừng trồng bị phá, 16,69 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Tập đoàn Tân Mai không phát hiện, không lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định…
Trước những tồn tại, sai phạm liên quan đến diện tích đất thuê để trồng rừng của Tập đoàn Tân Mai, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao, đã cho doanh nghiệp này thuê để trồng rừng nguyên liệu giấy (trước đây) và chuyển sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn (hiện nay) trên phạm vi toàn tỉnh.
“Xác định rõ mức độ, tính chất vi phạm; báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý toàn diện, phù hợp tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật”, kết luận của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ.
Được biết, từ năm 2012, Tập đoàn Tân Mai đã ngưng sản xuất giấy để thực hiện công tác di dời nhà máy ra khỏi TP. Biên Hòa (Đồng Nai) theo Quyết định của Thủ tướng và UBND tỉnh Đồng Nai. Hiện tại hoạt động chính của công ty là đầu tư các dự án bất động sản và khai thác lâm nghiệp.
Tập đoàn đang quản lý hơn 30,8 nghìn ha đất rừng, trong đó có 21,7 nghìn ha đất có rừng và 9,06 nghìn ha đất chưa có rừng tại địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Kon Tum. Các sản phẩm trồng rừng của doanh nghiệp gồm hơn 2,8 nghìn ha rừng tự nhiên, hơn 10 nghìn ha rừng thông, hơn 4,3 nghìn ha rừng keo, còn lại là rừng cao su và cây trồng nông nghiệp.
Hiện tại Tập đoàn Tân Mai đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất có diện tích hơn 151 triệu m2 tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Kon Tum. Tất cả là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất.
Cuối năm 2015, Tân Mai Group đã dùng quyền sử dụng đất và quyền khai thác mặt bằng khu đất Nhà máy Giấy Tân Mai cũ tại phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) để góp 30% vốn (tương đương 150 tỷ đồng) thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Tân Mai.
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm