Nghị quyết 20 và bài toán tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể
Ám ảnh kinh hoàng vụ "chạy trốn sinh tử", lộ 4 đường dây mua bán người sang Campuchia / Đà Nẵng cấm taxi từ chối khách tại sân bay, bến xe dịp lễ 2/9
Phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã… để khu vực này cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Đây là quan điểm chỉ đạo được đưa ra trong Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Để thực hiện quan điểm chỉ đạo này, Nghị quyết 20 đã đề ra một loạt giải pháp nhằm giải quyết bài toán về vốn và tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể. Đây được coi là một trong những điểm mới đột phá, vì đến nay, khu vực kinh tế này, nhất là các hợp tác xã, đang phải tự nỗ lực xoay xở và rất khó tiếp cận được các nguồn tín dụng.
Hợp tác xã (HTX) Bắc Hồng muốn làm đường bê tông ra ruộng phục vụ thu hoạch, chuyên chở rau, nhưng HTX không vay được tiền từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nên phải nhờ tới xã viên.
"HTX thống nhất trách nhiệm thành viên đó phải đứng tên, chịu trách nhiệm với các tổ chức tín dụng, cắm tài sản của mình để vay cho HTX",ông Nguyễn Tiến Hồng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội, cho biết.
Chuyện không tiếp cận được nguồn vốn vay như hợp tác xã Bắc Hồng khá phổ biến. Ngay cả Ngân hàng Hợp tác xã có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng cũng chưa trực tiếp cho hợp tác xã nào vay được một đồng vốn nào.
Nghị quyết 20 ra đời đã đề ra 6 phương hướng xử lý vấn đề tín dụng cho các hợp tác xã. Đó là hợp tác xã được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh đầu tư; được vay vốn trung dài hạn; được khuyến khích tăng vốn và huy động vốn của các thành viên...
"Đó là 6 cái chìa khóa. So với Luật Hợp tác xã đã ban hành năm 2012 thì đây là bước tiến bộ và nếu ai tận dụng được lợi thế này thì cái vốn của chúng ta không quá phải đáng lo", ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, đánh giá.
Nghị quyết 20 ra đời đã đề ra 6 phương hướng xử lý vấn đề tín dụng cho các hợp tác xã. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Để tạo thêm nguồn lực cho các HTX và đơn vị kinh tế tập thể, Nghị quyết 20 xác định rõ tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác, tức là HTX cũng bình đẳng như các doanh nghiệp.
"Tôi tâm đắc nhất là HTX bình đẳng với doanh nghiệp ở chỗ là có thể tiếp cận các dự án đầu tư công ở vùng nông thôn. Những dự án như mương, thủy lợi, công trình cộng đồng ở vùng dân cư thì nhà nước nên ưu tiên cho HTX đấu thầu tham gia xây dựng", ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, Hà Nội, cho hay.
Nghị quyết 20 cũng đề ra các nội dung cần thực hiện để khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, như xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc với một số chính sách cụ thể về phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; khoa học công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết 20 - những mục tiêu cơ bản
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác có quy mô 2 triệu thành viên; 45.000 HTX có quy mô 8 triệu thành viên; ít nhất 50% HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; đến 2045 tăng lên 75%.
Trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.
Đưa Nghị quyết 20 vào cuộc sống
Phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể... là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Mục tiêu, ý chí chính trị và đường lối, chủ trương về phát triển kinh tế tập thể đã được đặt ra rất rõ ràng trong Nghị quyết 20. Vấn đề hiện nay là triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Nghị quyết 20 với nhiều điểm đột phá đã được tổ chức hội nghị quán triệt trong toàn Đảng. Nghị quyết cũng nêu rõ Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghị quyết đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.
Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo các bước đi cụ thể đưa nghị quyết vào cuộc sống.
"Chúng tôi đã xin ý kiến xong. Sau khi Bộ Chính trị có kế hoạch hành động, chúng tôi sẽ ban hành chương trình hành động của Chính phủ", ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay.
Nghị quyết 20 được ban hành đồng thời với việc tổ chức lấy ý kiến sâu rộng về Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Luật này được đổi tên và cải tiến từ Luật Hợp tác xã sửa đổi hiện nay nhằm bao hàm thêm 2 loại hình kinh tế tập thể là tổ hợp tác và liên đoàn hợp tác.
"Đổi tên Luật Hợp tác xã sửa đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thì sẽ bao trùm được toàn bộ các đối tượng đó và thể chế hóa được chủ trương của Nghị quyết 20, đó là các tổ chức kinh tế tập thể phát triển từ thấp tới cao, bao gồm tổ hợp tác, HTX và liên đoàn HTX", ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Nghị quyết 20 yêu cầu coi phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là công việc thường xuyên, phải được bố trí nguồn lực thích đáng và phải được lồng ghép với các chương trình phát triển của của tất cả bộ, ban, ngành, địa phương.
"Các cơ quan có thẩm quyền cần có sự vào cuộc nhanh chóng để biến các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nghị quyết 20 thành các cái văn bản quy phạm pháp luật, mà ta gọi là quy phạm hóa để chúng ta có thể tổ chức thực hiện", ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh