DNVN - Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ dù còn non trẻ nhưng đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều giá trị ấn tượng cho nền kinh tế quốc gia, đồng thời tạo ra xu hướng phát triển khoa học - công nghệ trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Đóng góp lớn dù còn non trẻ
Khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò tiên phong cho sự phát triển, kinh tế, xã hội, trong đó các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là nòng cốt. Doanh nghiệp KH&CN hiện đang được xác định là “Đòn bẩy cho sản xuất trong nước” vì không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm nhiều hơn đối với các doanh nghiệp KH&CN thông qua các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế, cho thuê đất... Nhờ đó, các doanh nghiệp này mặc dù còn non trẻ song đã có nhiều điều kiện để phát triển mạnh hơn và đóng góp nhiều giá trị ấn tượng cho nền kinh tế quốc gia.
Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), doanh nghiệp KH&CN đã đóng góp 2,9% vào GDP cả nước năm 2018.
Căn cứ báo cáo của 235 doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019, các doanh nghiệp KH&CN Việt Nam đã tạo việc làm cho 31.264 người lao động với thu nhập bình quân tháng 15 triệu đồng/người.
Tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp năm 2019 đạt 147.170,5 tỷ đồng. Trong đó, có 217 doanh nghiệp có doanh thu từ sản phẩm KH&CN với tổng 24.123,1 tỷ đồng (chiếm 16,3% tổng doanh thu). Năm 2019, GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đạt 6,294 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp KH&CN đạt 2,39 % GDP cả nước.
198 doanh nghiệp có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 5.268,5 tỷ đồng. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của sản phẩm KH&CN đạt 1.343,9 tỷ đồng/183 doanh nghiệp.
Đây thực sự là những con số ấn tượng, thể hiện rõ vai trò và những đóng góp giá trị của các doanh nghiệp KH&CN cho kinh tế - xã hội nước ta.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp KH&CN Việt Nam cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như các doanh nghiệp nói chung: thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả các chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp...
Trong điều kiện kinh tế khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch như vậy, nhiều doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường nhưng các doanh nghiệp KH&CN vẫn tìm được đường đi cho riêng mình để tồn tại và phát triển. Theo báo cáo, tính đến hết năm 2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Các doanh nghiệp này đã đầu tư thích đáng vào KH&CN và liên tục đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và chống chịu tốt với thị trường.
Có thể nhận định rằng, lực lượng doanh nghiệp KH&CN dù chưa nhiều về mặt số lượng như kỳ vọng nhưng đã tác động tới phát triển kinh tế - xã hội khá rõ nét, tạo ra xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Triển vọng phát triển tươi sáng
Để các doanh nghiệp KH&CN ngày càng thể hiện vai trò quan trọng và tiếp tục có những đóng góp giá trị vào phát triển kinh tế - xã hội nước ta, trong những năm tới cần tiếp tục có những chính sách phù hợp và đổi mới hơn. Các lãnh đạo của Bộ KH&CN nhiều lần thể hiện quyết tâm cao, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Phát biểu ngay trong lễ nhậm chức, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ Thủ tướng giao, trong đó có việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Trước đó, nguyên Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết trên báo chí rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp… và các văn bản hướng dẫn các Luật trên để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm bảo đảm sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Đồng thời, đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; cơ chế đánh giá, thẩm định, công nhận kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ… được thực hiện thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương hội nhập quốc tế của đất nước.
Đối với các tỉnh, thành phố, tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN; chương trình hỗ trợ ươm tạo, thành lập và phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp về đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ. Hình thành các cơ sở ươm tạo tiệm cận với mô hình ươm tạo của các nước khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cùng chia sẻ về các giải pháp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN sẽ tích cực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hoạt động chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KH&CN, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Đặc biệt, tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp KH&CN, nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp KH&CN để các doanh nghiệp này trở thành một thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh khi được cấp chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Duy Minh