Những “tiết học vùng biên” hun đúc tình yêu Tổ quốc
Phó Thủ tướng: Nhiều vùng quê trở thành kiểu mẫu, nơi đáng sống! / Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh thành dừng hợp nhất các sở ngành
Mỗi tháng một lần, thay vì ngồi trong phòng học, học sinh huyện biên giới Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) được trải nghiệm thực tế tại những lớp học “dã chiến” dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Với hình thức “tiết học vùng biên”, những kiến thức về biên giới, lãnh thổ quốc gia đã được truyền đạt đến học sinh một cách chân thật nhất, góp phần hun đúc tình yêu biên cương Tổ quốc trong các em.
“Các bạn có biết đây là gì không nào?”, “Dạ, là cột mốc biên giới ạ!”, “Đúng rồi! Đây là cột mốc chính số 55 trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Campuchia là phía nước bạn rồi nhé. Các em chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới đó nghe”, tiếng một chiến sĩ biên phòng phát ra từ một lớp học đặc biệt nằm ngay trên vùng đất biên cương.
Hơn 1 tháng nay, học sinh huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) được trải nghiệm những tiết học vùng biên.
Đó là một trong những kiến thức cơ bản về khu vực biên giới được truyền thụ đến học sinh trên địa bàn xã Đắk Búk So trong “tiết học vùng biên”. Tiết học do Đồn biên phòng Tuy Đức phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT và Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tuy Đức tổ chức triển khai. Mỗi tháng sẽ có một “tiết học vùng biên”, lớp học được bố trí ngay cạnh những cột mốc biên giới, thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là những chiến sĩ biên phòng.
Tham gia chương trình, không chỉ được truyền đạt những kiến thức về biên giới như quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên; các kỹ năng nhận biết vùng cấm; đường biên, cột mốc biên giới, các em còn được tiếp cận với những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới.
Thông qua tiết học, các em nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội cũng như góp phần tuyên truyền cho người thân, bà con về nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia.
Em Điểu Phước (học sinh lớp 10, Trường Dân tộc nội trú - THCS-THPT Tuy Đức) sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Vốn là đồng bào bản địa, đối với Phước và nhiều người dân khác trong buôn, hàng ngày họ vẫn thường tự do qua lại bên kia biên giới, vừa để mua bán trao đổi hàng hóa, vừa để thăm bạn bè, người thân. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nam sinh này, đường biên giới vẫn là một khái niệm mông lung và ít khi được cộng đồng người M’Nông ở xã Quảng Trực để ý.
“Qua “tiết học vùng biên”, chúng em hiểu thêm về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, nhất là ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia. Chúng em cũng hiểu rằng, việc nhiều người trong buôn tự do qua lại khu vực biên giới và qua bên Campuchia là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị của địa phương”, Điểu Phước cho hay.
Tương tự, sau khi tham gia “tiết học vùng biên”, em Thị Thu (học sinh lớp 9A) đã có những nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền của tổ quốc. Nữ sinh này cho biết: “Mỗi lần đi học về, nhìn cột mốc biên giới, chúng em cảm nhận được Tổ quốc thiêng liêng, hiểu hơn những hy sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc. ”.
Được biết, để “tiết học vùng biên” đạt hiệu quả cao nhất, các chiến sĩ biên phòng đã lựa chọn các nội dung sát với thực tế địa bàn và phù hợp với nhận thức của học sinh khu vực biên giới. Ngoài học lý thuyết, các em còn được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý… Đồng thời, các em còn nghe kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Đại úy Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tuy Đức chia sẻ: “Trước khi lên lớp, chúng tôi soạn giáo án rất kỹ và tập luyện nhiều lần. Kiến thức về pháp luật biên giới vốn dĩ khô khan, trong khi các em học sinh lại còn nhỏ tuổi. Vì vậy, phương châm “ngắn gọn, đủ nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ” đã được chúng tôi áp dụng triệt để. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phần mềm trình chiếu, nên nội dung kiến thức được truyền tải sinh động, với nhiều hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng nhân dân đi tuần tra dọc biên giới, bảo vệ cột mốc biên giới và xử lý các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới...”.
Theo thầy Nguyễn Văn Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú - THCS - THPT Tuy Đức, việc đưa “Tiết học vùng biên” vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, các em học sinh được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ngay cả với giáo viên đã nắm được kiến thức, hiểu sâu về lĩnh vực biên giới cũng rất bổ ích. Khi về nhà, các em còn tuyên truyền trực tiếp đến gia đình và cộng đồng, từ đó người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo