Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Điểm nhấn từ những thiết chế văn hóa hiện đại
Khó di dời dân, cải tạo chung cư cũ chuyển động chậm / Bộ GTVT yêu cầu tổng kiểm tra xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
Điều này tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị, góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, định hình và giữ vững bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư, tăng sức hấp dẫn với khách du lịch.
Thúc đẩy giao lưu, phát triển
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII đã xác định Dự án xây dựng Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh tại thành phố Ninh Bình là công trình trọng điểm cần tập trung đầu tư. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Công trình có diện tích xây dựng 2.850 m2 với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như sân vườn tiểu cảnh, công trình phụ trợ; hệ thống âm thanh, ánh sáng và hội trường...
Nhà Văn hóa trung tâm là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống mang sắc thái văn hóa đặc trưng của tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là công trình văn hóa thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; đồng thời tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Công trình cũng sẽ là điểm tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với Ninh Bình.
Ông Tống Đức Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, xác định vai trò quan trọng của công trình nên khi triển khai dự án ngay từ bước chủ trương và thi tuyển kiến trúc, Ban đã làm rất chặt chẽ, đúng quy trình. Hiện, dự án đã đi đến giai đoạn hoàn thiện, nhà thầu đang thi công quyết liệt, cố gắng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Tại huyện Kim Sơn, để đạt được mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2023, huyện tập trung hoàn thiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Kim Sơn đã tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành khu Công viên văn hóa cộng đồng. Đây được xem là điểm nhấn, tạo không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị huyện. Công trình có tổng nguồn vốn đầu tư trên 144 tỷ đồng, quy mô gần 8 ha. Cùng với Công viên văn hóa cộng đồng, khu Trung tâm Thể dục, Thể thao huyện Kim Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án với các hạng mục như: sân vận động có sức chứa lên tới 4 nghìn khán giả, nhà thi đấu đa năng, sân tennis, bể bơi và các công trình phụ trợ. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2023 để chào mừng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thôn, xóm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Đến nay, 100% xã của huyện có nhà văn hóa với diện tích từ 300m2, đầy đủ trang thiết bị, đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Huyện đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện nốt các công trình trọng điểm trong năm 2023. Việc quan tâm, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn đã nhận được sự đồng thuận và chung sức của người dân, tạo điều kiện để nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng thương hiệu địa phương
Ninh Bình là vùng đất nằm giao thoa giữa khu vực Tây Bắc, châu thổ Sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hóa và con người; trong đó hệ thống thiết chế văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều loại hình truyền thống và hiện đại.
Với 1.821 di tích là các thiết chế văn hóa truyền thống như đình, chùa, đền thờ, nhà thờ đã tạo được dấu ấn và thu hút sự tham quan chiêm bái của du khách thập phương trong và ngoài nước góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về miền đất Cố đô giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Tỉnh đã đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại cấp tỉnh như nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim,... Định hướng phát triển của tỉnh thể hiện trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và văn hóa nói riêng đã chỉ rõ nhiệm vụ phải đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc, tạo điểm nhấn về không gian đô thị. Đến nay, 7/8 huyện, thành phố của tỉnh; 142/143 xã, phường, thị trấn và 95,83% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có nhà văn hóa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, các thiết chế văn hóa hiện đại có vai trò quan trọng trong việc tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị góp phần xây dựng thương hiệu địa phương. Do vậy, mỗi địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng thương hiệu địa phương nói riêng, cần tính đến vai trò, vị trí của các thiết chế văn hóa hiện đại như là đại diện hình ảnh văn hóa địa phương, là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc của đô thị và là niềm tự hào, biểu tượng của vùng đất, con người để tạo dựng những công trình văn hóa trở thành di sản có giá trị bền vững. Hơn bao giờ hết, trên con đường hội nhập, tỉnh cần có những thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc mang tính biểu tượng có quy mô lớn với sức lan tỏa mạnh mẽ hướng đến nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Khi đó, các thiết chế văn hóa hiện đại sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng góp phần xây dựng thương hiệu địa phương.
Kết luận số 90-KL/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững đã chỉ rõ nhiệm vụ: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình văn hóa công cộng đang triển khai; đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa mới đảm bảo thiết thực, tránh lãng phí". Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết, Ninh Bình đã tích cực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm như: Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế và Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Bên cạnh đó, tổ hợp Bảo tàng - Thư viện tỉnh đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tiến hành xây dựng trong thời gian tới. Trung tâm biểu diễn và tổ chức sự kiện văn hóa tỉnh đang trong quá trình đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng.
Theo ông Tống Quang Thìn, tỉnh đã tích cực đầu tư các công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của địa phương. Ninh Bình xác định khi đã đầu tư cần phải đúng trọng tâm, trọng điểm để có công trình "để đời" chứ không làm tạm bợ để 20, 30 năm phải phá đi làm lại... Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với sự nghiệp phát triển văn hóa.
Thời gian tới, tỉnh sắp xếp, bố trí kinh phí để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công trình còn dang dở và nhanh chóng xúc hoàn thành các thủ tục đầu tư để xây dựng công trình văn hóa tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển, tầm vóc của tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển của tỉnh nói chung và đầu tư cho các thiết chế văn hóa hiện đại nói riêng. Các thiết chế văn hóa hiện đại trên bàn tỉnh khi được xây dựng, đưa vào sử dụng tạo được điểm nhấn kiến trúc không gian đô thị cần phải gắn với các yếu tố lịch sử, văn hóa đặc trưng của địa phương, phải có được kiến trúc mang bản sắc riêng. Các thiết chế văn hóa với không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống; có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; có kết nối với công trình văn hóa lịch sử, cảnh quan kiến trúc đô thị Ninh Bình tạo thành một quần thể văn hóa của tỉnh Ninh Bình - Cố đô ngàn năm văn hiến.
Bài cuối: Hướng tới xây dựng đô thị Cố đô Di sản
End of content
Không có tin nào tiếp theo