Phát triển Long An theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang, ba vùng kinh tế, sáu trục động lực”
Vĩnh Long: Đang thanh tra, xác minh sai phạm của khu biệt thự trái phép Khang Thị / Vĩnh Long: Sắp diễn ra ngày hội việc làm - giáo dục nghề nghiệp năm 2023
Sáng nay 25/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Đây là địa phương đầu tiên ở khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam. Trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL, kết nối chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An khẩn trương, quyết liệt triển khai quy hoạch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Mục tiêu đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh. Con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, để hoàn thành các mục tiêu, Long An tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”. Cụ thể, quy hoạch TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh, trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phát triển hành lang đường Vành đai 3 - 4, bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP Hồ Chí Minh. Hành lang phía Nam, bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).
Song song đó, tỉnh này phát triển 3 vùng kinh tế - xã hội, trong đó, vùng đô thị và công nghiệp sẽ tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước. Phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Đồng thời, phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP Tân An.
Đối với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, sẽ phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh.
Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Còn vùng đệm sinh thái, sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát triển 6 trục động lực kinh tế gồm: Vành đai 3 - Vành đai 4, quốc lộ 50B; đường song hành quốc lộ 62; Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh; quốc lộ N1; Đức Hoà. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Long An cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác. Quy hoạch tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá môi trường từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Long An có vị trí quan trọng chiến lược khi vừa là cửa ngõ giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, là đầu mối giao thương với Campuchia.
“Thời gian qua, công tác lập quy hoạch được Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025, đây được xem là công cụ quan trọng, định hướng quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua hơn 2 năm xây dựng quy hoạch, ngày 13/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tỉnh Long An là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Long An nói.
Tại hội nghị,Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và đánh giá cao Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố quy hoạch. Thủ tướng nêu rõ, có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.
“Long An khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tăng cường hợp tác công tư, thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Tập trung phát triển logistics, đóng vai trò trung chuyển cho vùng ĐBSCL. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo