Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tạo thế và lực mới cho Đồng bằng sông Cửu Long
Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát tại Đồng bằng sông Cửu Long? / Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng dịp Tết
Sáng nay (17/6), lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được tổ chức với hình thức kết nối trực tuyến 4 điểm cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tại điểm cầu chính, được đặt tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang (vị trí đầu tuyến Km 0+314). Ba điểm cầu phụ được đặt tại TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính phát lệnh khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại điểm cầu An Giang.
Trục ngang khơi thông điểm nghẽn
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài gần 200km, điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc (An Giang), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua các tỉnh, thành Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.
Việc triển khai xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Trung ương và các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Khi hoàn thành, không chỉ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng mà còn kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế khác trong cả nước.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chính thức khởi công sáng 17/6,dự kiến đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng, tạo sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư đến với ĐBSCL. Đây cũng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL là tuyến đường người dân mong chờ nhiều năm nay, khi hoàn thành sẽ mang lại sinh kế, có thể còn là mang lại cơ hội đổi đời cho bà con trong khu vực.
Khi đưa vào khai thác gần 200km cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sẽ phá vỡ thế độc đạo, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 và một số tuyến giao thông quan trọng khác, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực. Hàng hóa, nông sản của vùng sẽ được đưa đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng. Ở chiều ngược lại, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp từ các khu vực khác về ĐBSCL cũng được thuận tiện hơn.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc 100km/h.
Dự án thành phần 1, trên địa bàn tỉnh An Giang và TP Cần Thơ có chiều dài hơn 57km (tổng mức đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng); thành phần 2 thuộc địa bàn TP Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km (tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng); thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37km (tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng); thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57km (tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Xứng tầm vùng kinh tế trọng điểm
Phát lệnh khởi công dự án tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc thực hiện đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm "xây dựng vùng ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững" và để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của UBND tỉnh các tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai; biểu dương chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.
“Công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác. Đồng thời, thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại lễ khởi công.
Tại điểm cầu Cần Thơ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt, mang tính cấp thiết; với mục tiêu liên kết vùng, mở rộng không gian, tạo thế và lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị.
Với mục tiêu xây dựng Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
“Việc tổ chức triển khai thực hiện cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để công trình được triển khai thuận lợi. Đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát phải tập trung mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thi công, hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu, đảm bảo chất lượng và mỹ quan nhằm đưa công trình vào khai thác sử dụng đúng mục tiêu đề ra”, ông Trường khẳng định.
Với tổng chiều dài 57km, là đường cao tốc duy nhất đi qua An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, sau khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ nối thông suốt từ An Giang đến cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng). Sau khi cảng này hoàn thành, An Giang sẽ kêu gọi đầu tư, mở ra các cụm khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Nói về dự án, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.
"Đối với Hậu Giang, việc khởi công dự án đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Từ đó, tạo động lực rất lớn cho Hậu Giang phát triển theo đúng định hướng quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Thanh kỳ vọng.
Còn theo UBND tỉnh Sóc Trăng, với gần 58,4km đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi ngang tỉnh này, khi hoàn thành sẽ mở ra hướng phát triển mới cho tỉnh Sóc Trăng, đồng thời giúp kết nối với cảng Trần Đề của tỉnh với các địa phương khác ở ĐBSCL
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh