Phát triển sản phẩm hữu cơ vì một nền nông nghiệp trách nhiệm
Đồng bằng sông Cửu Long: Triển khai kịch bản "ăn chắc" vụ lúa thu đông 2022 / Tiềm năng kinh tế số mở cơ hội phát triển cho logistics Việt Nam
Theo báo cáo tại diễn đàn, thực hiện quyết định số 885 của ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, đến nay đã có 57/63 tỉnh thành phố cả nước triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam đạt 174 ngàn hecta (ha), tăng 47% so với 2016, và đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á . Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha… Kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/ năm và xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới.
Diễn đàn "Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến" vì nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến 2030 tầm nhìn 2050 đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được phát triển mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ chiếm 2,5 đến 3% tổng diện tích đất nông nghiệp và giá trị sản phẩm trên một ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 đến 1,8 lần so với đất sản xuất phi hữu cơ.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng phía trước còn vô vàn những khó khăn thách thức, đặc biệt là vấn đề thương mại sản phẩm như thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thật sự phát triển vẫn đang tập trung tại các thành phố lớn là chính, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Vì lẽ đó, bằng thông điệp: thức tỉnh, lan tỏa, kết nối, ban tổ chức mong muốn các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia trong và ngoài nước hãy cùng nhau, kề vai gánh vác, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Vì một nền nông nghiệp trách nhiệm với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Bộ NN & PTNT phát biểu tại diễn đàn.
Nói về thực trạng và xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại - Bộ NN & PTNT cho biết: Doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên thị trường toàn cầu tăng 15%, lên 129 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD vào năm 2022. Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng với 90% thị phần. Rau quả hữu cơ là nhóm sản phẩm hữu cơ được các nước nhập khẩu lớn nhất, chủ yếu là chuối, cam quýt, cà phê...
Ông Tiến thông tin, năm 2020, toàn cầu có khoảng 3,4 triệu nhà sản xuất kinh doanh hữu cơ, tăng 7,6 % so với năm 2019. Tại Việt Nam, năm 2021, có hơn 17 ngàn nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 555 nhà chế biến sản phẩm hữu cơ, 60 nhà xuất khẩu sản phẩm hữu cơ và 40 nhà nhập khẩu sản phẩm hữu cơ. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hữu cơ năm 2020 đạt 335 triệu USD, trong khi doanh số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ toàn cầu gồm thực phẩm và đồ uống hữu cơ đạt tới 129 tỷ USD.
Theo ông Tiến thì dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ còn rất lớn và phù hợp với chiến lược phát triển của ngành. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng nhà sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu còn rất khiêm tốn.
Ông Tiến cho rằng kết quả trên là do công tác truyền thông về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, chưa làm người tiêu dùng, khách hàng thấy được lợi ích khi sử dụng sản phẩm này và cách phân biệt sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm thông thường. Lòng tin của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do tình trạng sản xuất nông sản không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thêm vào đó, công tác truy xuất nông sản nói chung còn nhiều bất cập; thời gian phân phối sản phẩm dài, qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí làm giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Chưa có hệ thống logistic, kênh phân phối hàng chuyên biệt; xuất khẩu còn hạn chế do liên quan đến các chứng nhận/ các rào cản kỹ thuật; công nghệ chế biến, bảo quản chưa được đầu tư đúng mức; mẫu mã sản phẩm bao bì chậm cải tiến theo nhu cầu thị trường; việc nghiên cứu, dự báo thị trường còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu.
Để phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ, ông Tiến đề xuất các giải pháp cần nghiên cứu, dự báo diễn biến thị trường trong nước, thế giới để đánh giá về nhu cầu thị trường, cơ hội và nguy cơ phòng tránh; đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích sản phẩm hữu cơ; sử dụng hệ thống logistic chuyên biệt, phát triển thương mại điện tử gắn với giao hàng chặng cuối; đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường tiêu thụ; chế biến, bảo quản theo công nghệ hiện đại đồng thời tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại chuyên ngành trong nước và nước ngoài.
Kết nối với diễn đàn từ Úc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, Đại học Quốc gia Úc - Giám đốc Công ty Mekong Organics, cho biết: Chính phủ Úc đang thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa Úc và Việt Nam, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế giữa Úc và Việt Nam. Với trách nhiệm và sự quan tâm đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện 4 diễn đàn kết nối, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Úc để cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu cơ hội phát triển kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, công ty chúng tôi có đội ngũ maketing hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam quảng bá trên trang web của MeKong Organics, từ đó chia sẻ thông tin đến mạng lưới người tiêu dùng cũng như các hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tại Úc.
Ông Kiền cũng cho biết, Công ty Mekong Organics đã đào tạo cho Việt Nam hơn 630 học viên là các Sở NN & PTNN các tỉnh, thành; các doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác, hộ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2021, doanh số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Úc đạt tới 2,5 tỷ USD, với mức tăng trưởng từ 5 đến 10%/năm. Do cung không đủ cầu nên Úc đang nhập khoảng 1000 dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn rất khiêm tốn chưa xứng với tiềm năng còn rất lớn như về gạo và các sản phẩm từ gạo; nước chấm, mức, trái cây đóng hộp, rau quả đông lạnh, sấy khô, hạt sen, hạt điều, đường thốt nốt, cà phê, các loại thảo mộc, gừng, nghệ...
"Chúng tôi rất muốn làm trung gian để kết nối những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam với thị trường Úc ngày càng phát triển, bởi người Việt xa xứ bao giờ cũng thích ăn sản phẩm, trái cây…mang thương hiệu Việt.” ông Kiền chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo