Phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh
Chính thức công bố Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi / Khai trương đường bay Nha Trang - Singapore để kết nối du lịch
Thị trường vốn và thị trường bất động sản là hai thị trường có sự gắn bó chặt chẽ, bổ trợ cho nhau phát triển, rủi ro của thị trường này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường còn lại.
Tuy nhiên thời gian qua, sự phát triển của hai thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Thị trường vốn phát triển chưa sâu, thị trường bất động sản còn nhiều vướng mắc về pháp lý, định giá, thuế, tiền sử dụng đất… Đâu là những giải pháp để phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững hai thị trường này là nội dung được đưa ra trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134% GDP năm 2021. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP. Còn ngành xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 11% GDP.
Đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134% GDP năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thông qua tín dụng ngân hàng và thị trường vốn, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được một lượng vốn lớn, tuy nhiên việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro như lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch…
Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, cần có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện pháp lý đến điều hành, quản lý và giám sát thị trường.
"Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập một sàn giao dịch cho trái phiếu phát hành riêng lẻ, đây là điều giúp minh bạch hóa và công khai hóa lên. Những vụ việc vừa qua xảy ra đối với một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ đã bị xử lý nghiêm. Đó là những bài học cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp, nhưng cũng nhấn mạnh là những doanh nghiệp làm tốt, thì chúng ta vẫn phải khuyến khích để làm sao thúc đẩy thị trường này lên", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho hay.
Theo đại diện đơn vị xếp hạng tín nhiệm Fiin Group, giải pháp bền vững để phát triển vốn cho thị trường bất động sản chính là "minh bạch hóa" thông tin, cụ thể cần có một cơ sở dữ liệu mở quốc gia về pháp lý dự án; đối với trái phiếu, cần tăng cường minh bạch thông tin từ nhà phát hành đến sản phẩm, chuẩn hóa bản cáo bạch như đối với thị trường chứng khoán, duy trì công khai thông tin suốt vòng đời của trái phiếu, đảm bảo nhà đầu tư có đủ thông tin.
"Về cơ bản dài hạn, vấn đề minh bạch thông tin là yếu tố quyết định. Mấu chốt là doanh nghiệp chấp nhận minh bạch cái hồ sơ tín dụng của mình trên thị trường và tuân thủ các quy định về mặt công bố thông tin, thay đổi mục đích sử dụng vốn khi công bố thì vẫn có nhà đầu tư theo đuổi và sẵn sàng chấp nhận đầu tư", ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch FiinGroup, nhận định.
Ngoài ra, các giải pháp làm sao để nhanh chóng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Bởi quy mô thanh khoản của thị trường phải tăng mạnh lên gấp từ 3 - 4 lần hiện nay mới hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn.
"Mình mà tăng trưởng được điều đó thì ít nhất đón được khoảng 10 tỷ USD vốn mới từ nước ngoài sẽ vào Việt Nam. Điều đó mình có các yêu cầu khác nhau, ví dụ như thanh khoản, minh bạch, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài… thì 3 điều này rất quan trọng", ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc nhanh chóng xử lý các vụ việc sai phạm liên quan đến thị trường vốn thời gian qua nhằm hướng tới mục tiêu lành mạnh, công khai và minh bạch hóa thị trường.
"Quá trình nó phát triển nóng như vậy chúng ta phát hiện ra thì xử lý, giải quyết một cách bình tĩnh, tự tin bằng các công cụ. Chúng ta đang đưa nó trở về một cách bình thường, ổn định, an toàn, bền vững. Còn trong quá trình điều chỉnh, bao giờ cũng có khó khăn, biến động là chuyện bình thường", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động từ kinh tế toàn cầu không ổn định do lạm phát, khủng hoảng Ukraine và Mỹ tăng lãi suất, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị các chính sách điều hành tài khóa, thị trường vốn cần hướng đến ổn định, nhanh chóng, hỗ trợ chủ động và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước