Bộ Y tế cho biết, hiện có hơn 6.650 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc họp nhằm xem xét cấp số đăng ký 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir của 4 đơn vị trong nước; tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.800.704 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.252 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.794.866 ca, trong đó có 1.410.567 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (505.523), Bình Dương (291.061), Đồng Nai (98.183), Tây Ninh (78.837), Hà Nội (54.230).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.413.384 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.651 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.720 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 981 ca; thở máy không xâm lấn: 132 ca; thở máy xâm lấn: 800 ca; ECMO: 18 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 223 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.245 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.636.734 mẫu tương đương 75.256.465 lượt người, tăng 73.499 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 154.344.391 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.850.611 liều, tiêm mũi 2 là 69.614.463 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 6.879.317 liều.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 5/1 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 295.184.052 ca COVID-19, trong đó có 5.472.190 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.929.317 và 5.666 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 255.944.582 người, 33.747.283 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 93.031 ca nguy kịch. Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 441.739 ca; Pháp đứng thứ hai với 271.686 ca; tiếp theo là Anh (218.724 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.504 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga (834 ca) và Ba Lan (433 ca tử vong). Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 57.839.124 người, trong đó có 850.977 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 35.011.990 ca nhiễm, bao gồm 482.017 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.323.837 ca bệnh và 619.384 ca tử vong. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 90,85 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 85,22 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 68,31 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 40,11 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,94 triệu ca và châu Đại Dương trên 712.000 ca nhiễm.
|
Họp xem xét cấp số đăng ký 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước
Theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết hôm nay - ngày 5/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc họp nhằm xem xét cấp số đăng ký 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước; 6 đơn vị đang bổ sung hồ sơ để xem xét họp vào đợt sau.
Trước đó, 10 công ty dược nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.
Liên quan thuốc Molnupiravir, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 51 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Bộ Y tế đã phân bổ hơn 300.000 liều cho 51 địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát cho F0 mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir tại 22 tỉnh, thành cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.
Tăng tốc tiến độ tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng phức tạp trở lại, các tỉnh phía Nam đang gấp rút tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất, để đạt miễn dịch cộng đồng, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đến ngày 4/1, Tiền Giang đã tiêm được 3.134.254 liều cho người từ 12 tuổi trở lên; trong đó có 1.461.741 người được tiêm mũi 1; 1.392.287 người được tiêm mũi 2; 128.956 người được tiêm mũi 3, 23.853 người được tiêm mũi bổ sung và 127.417 người được tiêm mũi nhắc lại.
Tỉnh đang gấp rút tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất
Tỉnh Bắc Ninh hiện đã tiêm trên 2,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi, trẻ từ 12-17 tuổi, công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Số người được tiêm vaccine mũi 3 là 178.812 người đạt 15,3%.
Ngành Y tế Bắc Ninh đang tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố rà soát, tăng cường tiêm phủ mũi 3.
Để kéo giảm số ca tử vong do COVID-19, tỉnh An Giang yêu cầu ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tăng cường điều trị cho người mắc COVID-19; rà soát kỹ và tổ chức tiêm vét, đảm bảo mọi người dân đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều; không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ cao và đẩy nhanh thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động.
Tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương rà soát, lập kế hoạch và tổ chức đội tiêm lưu động đến tận hộ gia đình để tiêm cho các đối tượng không đến điểm tiêm được như người già, người khuyết tật…
Tại Đồng Tháp, để giảm số ca mắc COVID-19, tỉnh tăng cường tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành lập các tổ tiêm vaccine đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là những người không di chuyển được.
Đến ngày 4/1, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 là 1.240.086 liều, đạt 99,59%; tiêm mũi 2 là 1.162.731 liều, đạt 93,38% người từ 18 tuổi trở lên. Số người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 là 157.017 liều, đạt 98,15%; tiêm mũi 2 là 140.309 liều, đạt 87,71%; tiêm mũi nhắc lại là 62.799 liều, đạt 5,04%.
Sở Y tế Vĩnh Long đã có văn bản yêu cầu ban lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo Quyết định số 5525 ngày 1/12/2021 của Bộ Y tế.
Sở cũng đề nghị các cơ sở tiếp nhận, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, sàng lọc kỹ trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, kể cả người mới tiêm 1 mũi.
Đến nay, 97,4% người dân từ 18 tuổi trở lên tại Vĩnh Long đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Số mũi tiêm nhắc lại ở độ tuổi này là 54.297 (7,06%); tiêm mũi bổ sung là 32.599. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em 12-17 tuổi tại địa phương này là 94,08%. Tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 915.608 người, đạt 98,88% dân số trên 12 tuổi, tiêm bổ sung được 67.791 người, tiêm nhắc lại là 63.339 người.
Theo Thái Bình/Sức khỏe & Đời sống