Sáp nhập hộ nghèo: "Cõng" thêm người thân cán bộ để chia đôi cái nghèo
Hôm nay (31/5), Thủ đô Hà Nội nắng nóng tới trên 38 độ C / Nhiều khu vực ở TP.HCM chìm trong biển nước sau cơn mưa lớn chiều 30/5
Nghèo ngược chiều
Nhiều năm trước, ở Việt Nam, cách đo lường và đánh giá nghèo chủ yếu thông qua thu nhập. Đây chính là chuẩn nghèo đơn chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sử dụng tiêu chí thu nhập để đo lường cái nghèo là không đầy đủ. Vì vậy, từ năm 2015, Việt Nam đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Điều đó có nghĩa ngoài thu nhập, phải đo lường cả những mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Thế nhưng ở một số địa phương, chuẩn nghèo 1 chiều vẫn được áp dụng. Từ chỗ bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, hiện nay, nhiều địa phương chỉ cần 1 chiều.
Ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một gia đình có 3 con nhỏ, chồng bị gãy lưng, nhà cửa tạm bợ mà đang cận nghèo lại bị cắt suất cho người khác, những nhà có con đi học cũng bị cắt luôn cho người khác.
Cả làng nháo nhác vì nghèo. Nhà có 2 con học đại học, chồng bệnh hiểm nghèo, một tay chèo chống tứ bề, thế nhưng chứng nhận hộ cận nghèo cũng không đến được với gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Bài, lý do không được xét vào hộ cận nghèo chỉ vì không… vay tiền. Phải vay tiền với số lượng lớn mới được ưu tiên vào hộ cận nghèo. Bởi, nghèo là để… giàu. Như trường hợp nhà ông Khánh được người dân trong xã biết đến là hộ cận nghèo có điều kiện. Bởi nhờ cận nghèo, ông mạnh dạn vay hẳn 300 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đủ tiền xây ngôi nhà trị giá hơn… 1 tỷ đồng.
Số hộ cận nghèo tăng gấp đôi chỉ trong... 1 năm
Địa phương có bao nhiêu hộ đạt chuẩn nghèo hàng năm sẽ được thống kê, rà soát để làm danh sách. Thông thường, các địa phương hay áp chỉ tiêu, làm sao để số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo năm sau luôn giảm hơn năm trước để mọi người có động lực hơn trong việc chung tay xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, thay vì giảm, chỉ trong 1 năm, số hộ cận nghèo có nơi lại tăng bất thường.
Có xã năm trước chỉ hơn 400 hộ, nay đã lên 740 hộ. Khi nằm trong diện cận nghèo, các hộ sẽ được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước, đặc biệt là ưu đãi về vốn vay, lãi suất ngân hàng, các ưu đãi về bảo hiểm y tế, giáo dục. Vì được nhiều quyền lợi nên không ít hộ không muốn thoát nghèo dẫu kinh tế gia đình đã khấm khá hơn.
Người dưng bỗng thành... người thân của hộ nghèo, cận nghèo
Việc tăng gần gấp đôi số lượng hộ cận nghèo xét về mặt phát triển kinh tế xã hội vốn không được khuyến khích nên nhiều địa phương cũng đã nghĩ ra cách để khắc phục tình trạng này.
Chiêu mới được áp dụng là sáp nhập nhiều hộ nghèo. Để tránh bị lộ khi có đoàn kiểm tra, xã đã ẩn luôn tên hộ bị ghép. Chính vì sáp nhập nên người được kẻ không, nhiều người nghèo vẫn chưa hết ngơ ngác vì sao mình bỗng... thoát nghèo.
Hộ khẩu hộ cận nghèo toàn... người dưng
Để về đích nông thôn mới, số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ được giới hạn. Nhưng vì ai cũng thích nghèo nên chính quyền địa phương đã sáng kiến gộp 2 hộ thành 1, những người không thân thích bỗng nhiên thành… người nhà.
Giấy quyết định hộ nghèo nhưng cái nghèo cũng phải chia làm đôi. Mặc nhiều người thắc mắc nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết vì Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành lý giải từ trước đến nay chưa thấy có hộ nào phản ứng, bản thân ông từ xã khác đến nên không nắm được cụ thể.
Cũng theo chủ tịch xã, danh sách hộ nghèo của địa phương là tối mật, phải lưu giữ kỹ lưỡng và duy nhất 1 người được phép mở nhưng người đó đã nghỉ việc hơn nửa tháng nay.
Vợ con cán bộ "lạc" vào hộ nghèo 10 năm không biết
70 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành bị sáp nhập với nhau để giảm còn 43 hộ, giúp địa phương đạt chỉ tiêu nông thôn mới sau 1 năm. Việc sáp nhập hộ nghèo kiểu này không chỉ tạo nên thành tích ảo mà còn tạo ra một bức màn che, ẩn giấu nhiều tiêu cực sau đó.
Nhà bà Bùi Thị Nguyên ở xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 3 nhân khẩu nhưng trong sổ hộ khẩu của gia đình lại "cõng" thêm 2 người con của Phó Bí thư xã. Sự việc tiếp diễn gần 10 năm nhưng đến giờ mới được lật mở.
Nếu nhà cán bộ muốn gửi con vào hộ nghèo, chỉ cần đánh tiếng với trưởng công an xã thì tên nguời cần gửi sẽ được viết thêm vào sổ hộ khẩu của hộ nghèo. Cái nghèo sẽ được hợp thức hóa.
Là người trực tiếp viết thêm tên con cán bộ vào sổ hộ nghèo của người khác nhưng lại không rõ sự tình, cũng dễ hiểu, bởi chính người trong cuộc cũng không hay dẫu con mình "đi lạc" vào hộ nghèo đã gần 10 năm.
Câu chuyện người thân "đi lạc" vào hộ nghèo không chỉ xuất hiện ở 1 xã, mà còn diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, có xã còn có đến 3 cán bộ nòng cốt có người thân bị gửi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không biết cũng bởi nhà thì to, xe ô tô thì có thừa nên chẳng hà cớ gì bản thân những lãnh đạo phải nhọc công gửi người thân vào hộ nghèo. Vì mỗi khi tìm sổ hộ nghèo cũng phải trèo đến 3 tầng lầu mới tìm ra.
Dừng tái bổ nhiệm các cán bộ đưa người thân vào danh sách hộ cận nghèo
Hàng loạt cán bộ chủ chốt xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa và người thân có cuộc sống tốt bỗng dưng có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Đại hội Đảng bộ xã phải lùi lại để sắp xếp lại nhân sự.
Bí thư Huyện ủy huyện Thiệu Hóa cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và ra quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự; yêu cầu không tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Hách Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy; đưa ra khỏi nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thiệu Thành và bà Nguyễn Thị Giảng, Bí thư Đoàn xã Thiệu Thành.
Thanh Hóa rà soát lại hộ nghèo, hộ cận nghèo trên diện rộng
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, UBND tỉnh Thanh Hóa lập tức yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019.
Để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác rà soát, tổng hợp, báo cáo hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo cấp huyện, bám sát cơ sở và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo sau rà soát mà đủ tiêu chí nhưng nằm trong diện phát sinh cũng sẽ được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đưa đối tượng không bảo đảm điều kiện theo quy định vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để trục lợi chính sách như trong thời gian vừa qua.
Đói nghèo là một trong những rào cản lớn làm giảm khả năng phát triển con người, cộng đồng cũng như mỗi quốc gia. Do vậy, các chính sách xóa đói giảm nghèo ở nước ta không chỉ mang ý nghĩa thiết thực để đảm bảo cuộc sống của người dân mà còn thể hiện tình thần nhân văn, nhân đạo của Nhà nước.
Những sai sót của một vài địa phương trong việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo thời gian vừa qua sau khi được báo chí phản ánh đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc. Với tinh thần không giấu giếm trách nhiệm, sai đến đâu sửa đến đấy, hi vọng sự việc này sẽ không tái diễn, đảm bảo công bằng trong xã hội và giữ vững niềm tin của nhân dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé