Tin tức - Sự kiện

Sửa Luật Đất đai: Cần bịt lỗ hổng, chặn lợi dụng chính sách làm giàu cá nhân

Theo GS.TS Phan Trung Lý, cần khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đà Nẵng: Triển khai nhanh giải ngân vốn đầu tư công 2023 ngay từ đầu năm / 10 địa phương đề xuất bổ sung sân bay, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

Tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức,đóng góp ý kiến, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật đặc biệt quan trọng; việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân.

Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, với các điều luật được cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 "Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước".

"Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước", GS.TS Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Sửa Luật Đất đai: Cần bịt lỗ hổng, chặn lợi dụng chính sách làm giàu cá nhân - Ảnh 1.

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Bởi vậy, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đặc biệt, phải ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Phải kiên trì nguyên tắc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu

Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không?

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu: "Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" thì mới khắc phục được hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.

Sửa Luật Đất đai: Cần bịt lỗ hổng, chặn lợi dụng chính sách làm giàu cá nhân - Ảnh 2.

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

"Thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, không phải "cốt ở đôi bên" nữa mà phải bảo đảm nguyên tắc và quản lý của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Thực tế, các dự án đô thị, nhà ở thương mại nếu chỉ mình chủ đầu tư cũng không thực hiện được nếu nhà nước không làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư", ông Thực nói.

Cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Trong khi đó, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo, cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Cụ thể, khoản 2 Điều 225 quy định "Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại".

 

Sửa Luật Đất đai: Cần bịt lỗ hổng, chặn lợi dụng chính sách làm giàu cá nhân - Ảnh 3.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo Luật Đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho UBND giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.

Vì vậy, ông Luyến kiến nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm