Tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương, nâng hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công
Đà Nẵng cải tạo và nâng cấp chợ Hàn / Đà Nẵng: Lên phương án chống ùn tắc giao thông phía Bắc cầu Hòa Xuân
Theo Quyết định số 1012 của Thủ tướng Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, gần 31.400 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT sẽ được chuyển sang cho 7 địa phương trên cả nước.
Cụ thể, 7 địa phương nhận được vốn gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ kế hoạch vốn trung hạn, danh mục dự án và mức vốn ngân sách được giao để bố trí chi tiết cho từng dự án, nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 theo quy định Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Gần 31.400 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được chuyển sang cho 7 địa phương trên cả nước
Như vậy thay vì trước đây cứ giao kế hoạch vốn trước, còn giải ngân được bao nhiêu thì tính sau. Thì nay, ngay từ lúc giao dự toán đã có sự rà soát, bám sát khả năng giải ngân để giao vốn. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đây được xem là giải pháp điều hành linh hoạt của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn hơn 31 nghìn tỉ đồng sẽ được phân bổ cho dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương thực hiện các dự án quy mô lớn. Thông qua việc phân cấp phân quyền, các địa phương sẽ bổ sung thêm vốn của mình, cũng như huy động xã hội hoá, ví dụ công trình nào có thể thực hiện theo hình thức PPP, BOT như chúng ta đã thực hiện", ông Trần Duy Đông -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết.
Cũng theo ông Đông, các địa phương sau khi được giao vốn trung hạn cần triển khai ngay các công việc như phê duyệt quyết định đầu tư các dự án thành phần, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng.
Đổi mới giải ngân vốn đầu tư công
Thời điểm này đang bước vào những tháng cuối năm, là giai đoạn nước rút để giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế, 8 tháng qua cả nước mới giải ngân được gần 36% kế hoạch. Tỷ lệ còn khá khiêm tốn. Do vậy, bên cạnh các chỉ đạo điều hành quyết liệt cuả Chính phủ, thì các địa phương cũng đang có những đổi mới trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, quốc lộ 32C từ Phú Thọ đi Yên Bái sử dụng gần 1.300 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm này, dự án đã giải ngân được hơn 70%. Vướng mắc về nguyên vật liệu cũng đã đươc giải quyết bằng cách sử dụng nguồn đất tại chỗ để đắp nền đường.
"Chúng tôi đã tính toán phương án điều phối nội bộ, dùng khối lượng đào chuyển sang khối lượng đắp trên tuyến, khi thiếu mới tính đến khối lượng đắp vận chuyển đến",Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ Trần Hoài Giang cho biết.
Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải, tỉnh tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, xây dựng chính sách cho đền bù GPMB. Những trường hợp khó khăn, vướng mắc thì chúng tôi thường xuyên kiểm tra và kịp thời giải quyết.
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt đều có sự vào cuộc quyết liệt cuả cả hệ thống chính trị, đổi mới về tư duy điều hành, kịp thời rà soát các dự án chậm để điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ tốt hơn
Hay như dự án bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Sau hơn nửa năm triển khai, đã giải ngân được 40% và dự kiến hoàn thành trước kế hoạch 3 tháng. Đây là kết qủa của công tác chuẩn bị đầu tư tốt, như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn và đấu thầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hải nhấn mạnh việc không chờ hàng tháng mới làm công tác nghiệm thu một lần mà khi có khối lượng sẽ đẩy nhanh công tác nghiệm thu thanh toán, qua đó góp phần đẩy nhanh việc giải ngân.
Không ít địa phương cũng đã có động thái xin trả lại vốn đầu tư công để đảm bảo việc giải ngân khả thi và hiệu qủa hơn. Thực tế cho thấy, các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt đều có sự vào cuộc quyết liệt cuả cả hệ thống chính trị, đổi mới về tư duy điều hành, kịp thời rà soát các dự án chậm để điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ tốt hơn.
Chính phủ cũng đã triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Điển hình như giữa tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã thành lập 6 Tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng dẫn đầu để tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tại những đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước, từ đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tăng tốc giải ngân những tháng cuối năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo