Thanh Hóa: Cả nghìn hecta cao su bị chặt bỏ không thương tiếc
Hà Nội: Hỏa hoạn tại bãi giữ xe vi phạm giao thông, 30 xe máy trơ khung sắt / Đà Nẵng: Xác định nguyên nhân cá chết trắng sông Phú Lộc
Giá mủ xuống quá thấp
Giá mủ cao su xuống thấp khiến thu nhập không đủ bù lỗ chi phí, nhiều gia đình còn lâm vào hoàn cảnh lao đao về kinh tế khiến cho rất nhiều người dân muốn được phá bỏ cây cao su để thay thế một loại cây trồng khác.
Theo ghi nhận thì nhiều huyện như Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thọ Xuân… đều có tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su làm củi. Thậm chí không ít hộ cho rằng sẽ sẵn sàng nộp phạt nếu cấp ngành chức năng không cho phép.
Chị Lương Thị Xuân (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) không khỏi xót xa khi nhìn cánh đồng cao su trồng hơn chục năm trời của gia đình giờ để cỏ mọc um tùm không buồn dọn. Chị bảo giá mủ thấp, người dân không đầu tư phân bón, cũng như bỏ công chăm trồng dẫn đến cây cao su sinh trưởng, phát triển không đều, cây to cây nhỏ, sản lượng mủ cũng thấp.
Người nông dân này cho biết, giá mủ cao su tụt dốc đến 5 – 6 năm nay, người trồng cao su như gia đình chị gần như không có thu nhập. Sau nhiều năm bám trụ theo tinh thần chủ trương của tỉnh, kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, gia đình chị đành phải chặt bỏ đi một nửa diện tích để chuyển đổi cây trồng mới, mong có thu nhập. Theo chị Xuân thì chờ vài năm nữa nếu giá mủ vẫn không thay đổi thì chị cũng phải chặt nốt diện tích cao su còn lại.
Gia đình anh Lê Xuân Bằng (huyện Như Thanh) cũng trong tình cảnh lao đao kinh tế vì cây cao su. Anh cho biết, tiền mủ không đủ để trả cho nhân công lao động. “Sau một vài năm đầu cây cao su cho thu nhập thì từ năm 2011 đến nay, chưa năm nào cây trồng này cho gia đình nguồn thu cao hơn so với cây mía (cây trồng trước đó), chưa kể kém hơn nhiều lần về giá trị so với các loại cây trồng khác như keo, chàm…” – người nông dân này cho biết.
Được biết, hiện giá mủ xuống quá thấp, giá mủ cao su khô giao động trong khoảng chỉ từ 21 triệu đến 25 triệu đồng/ tấn.
Nhiều người dân có chung ý kiến đề nghị cấp ngành chức năng sớm có định hướng chuyển đổi cây trồng hoặc có giải pháp trợ giá như thế nào để họ có đủ niềm tin để giữ lại diện tích cao su đã dày công đầu tư, chăm trồng.
Giảm hơn 1 nghìn ha cao su trong 1 năm
Hiện, theo thống kê từ Sở NN&PTNT tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311 ha cao su. Trong đó, 2.917 ha cao su đại điền, 11.394 ha cao su tiểu điền. Số diện tích trên đã giảm 1.260 ha so với con số hồi đầu năm 2018. Trong đó, các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha...
Đơn vị có diện tích cao su lớn nhất trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hóa, hiện có 2.754,2 ha cao su, trong đó hơn 16.200 ha trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa đến tuổi thu hoạch mủ), còn lại là diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh (đang thời kỳ cho thu hoạch mủ).
Tuy nhiên, tính từ tháng 6/2017 đến nay, đã có gần 81 ha cao su của đơn vị được chuyển đổi sang trồng mía, dứa và keo. Công ty cũng mới rà soát 230,47 ha khác kém hiệu quả, hiện đã báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho ý kiến chặt bỏ để trồng cây trồng khác.
Mới đây, ngày 25/2, Sở NN&PTNN Thanh Hóa đã có văn bản, nội dung liên quan đến việc định hướng cho các địa phương về phát triển vườn cao su, cũng như đưa ra các giải pháp cho thời gian tới.
Theo đó, cần tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ để diện tích cao su bảo đảm mật độ, sinh trưởng và phát triển tốt. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo về vai trò, hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp này để nhân dân yên tâm duy trì chăm sóc và khai thác mủ.
Riêng với diện tích cao su trồng mới theo quy hoạch nhưng sinh trưởng kém, phải đánh giá nguyên nhân, đề xuất phương án cụ thể để chuyển đổi cây trồng khác trên cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo