Thanh Hóa: Di dời khẩn cấp gần 360 hộ dân
TPHCM: Hai vụ sập nhà, cháy nhà, một người tử vong, nhiều tài sản bị thiêu rụi / Dịch sởi đang hoành hành, tay chân miệng tăng theo
Ngày 18/2, UBND huyện Mường Lát có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc di dời và tái định cư (TĐC) khẩn cấp 359 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét cao trên địa bàn huyện này.
Đến ngày 28/2, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Mường Lát, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/3/2019.
Ngày 4/3, Sở NN&PTNT đã tham gia ý kiến thẩm định phương án di dời và TĐC khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét cao trên địa bàn huyện Mường Lát.
Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị làm rõ đối tượng phải di dời, nêu rõ số hộ phải di dời ứng với từng loại hình thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy; hộ gia đình sống nhỏ lẻ, khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất, sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng...) và có đánh giá thực trạng đời sống của các hộ dân tại nơi ở cũ.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra, khảo sát địa chất thực tế các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở tại huyện Mường Lát và UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho huyện Mường Lát lập phương án di dời và TĐC khẩn cấp đối với 150 hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất và lũ quét thuộc các bản Trung Thắng, Ún, Sa Lung (xã Mường Lý) và bản Tung, Ma Hác, Lìn (xã Trung Lý).
Tuy nhiên, tại phương án số 02/PA-UBND ngày 30/1/2019 và tờ trình số 15/TTr-UBND ngày 18/2/2019 của huyện Mường Lát thì số hộ cần lập phương án di dời và TĐC khẩn cấp là 359 hộ (tăng thêm 209 hộ).
Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Mường Lát làm rõ nguyên nhân tăng số hộ cần di dời.
Theo phương án, khoảng cách từ các khu TĐC cũ đến khu TĐC mới từ 100 - 4.500m. UBND huyện Mường Lát cần đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong phát triển sản xuất của người dân di chuyển từ nơi ở cũ đến khu TĐC mới để có phương án phát triển sản xuất, sinh kế cho người dân.
Về giải pháp bố trí đất ở, UBND huyện Mường Lát cần xác định cụ thể diện tích từng khu TĐC tập trung; làm rõ nguồn gốc, loại đất, hiện trạng đất để có phương án sắp xếp, bố trí quỹ đất phù hợp và đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Đồng thời, phải kiểm tra, khảo sát, đánh giá địa chất để xác định tính an toàn khi thực hiện đầu tư xây dựng tại các khu TĐC tập trung; thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Sau khi phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện Mường Lát cần thực hiện việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của địa phương này.
Theo phương án, mức hỗ trợ cho mỗi hộ di chuyển nhà là 20 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, tại điểm c, Khoản 2, Điều 3, Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ đối với các xã biên giới là 30 triệu đồng/hộ; đối với các xã còn lại là 20 triệu đồng/hộ.
Trước đó, trong đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 8/2018, huyện Mường Lát là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều bản làng gần như bị mưa lũ san phẳng, hàng trăm ngôi nhà bị đất đá vùi lấp.
Đến nay, địa phương này đã cơ bản khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Tuy nhiên, để đề phòng khi mùa mưa lũ lại đến, huyện Mường Lát đã có tờ trình đề nghị tiếp tục di dời khẩn cấp 359 hộ dân đến nơi ở mới an toàn hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo