Tin tức - Sự kiện

Dịch sởi đang hoành hành, tay chân miệng tăng theo

Trong lúc dịch sởi còn ở mức cao thì bệnh tay chân miệng bất ngờ gia tăng trở lại khiến trẻ nhỏ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo cộng đồng chủ động phòng bệnh, hạn chế nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ.

Cần Thơ: Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo / Dịch tả lợn Châu Phi: Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch

Dịch sởi vẫn ở mức nguy hiểm

Ngày 4/3, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho hay, trong tuần qua, dịch sởi đang giảm dần nhưng còn ở mức cao và lưu hành trên diện rộng. Tính đến hết tháng 2, trên toàn địa bàn đã ghi nhận 1.208 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ ghi nhận 2 ca bệnh. Mặc dù giảm 19% so với trung bình của 4 tuần trước nhưng sởi đang ở mức rất cao, lưu hành ở tất cả 24 quận huyện.

y te (2).JPG

Dịch sởi đang tấn công cả người lớn và trẻ em, cộng đồng cần chủ động phòng tránh

Kết quả khảo sát từ những trường hợp mắc sởi cho thấy, khoảng 50% số ca bệnh tập trung ở nhóm trẻ từ 18 tháng đến 10 tuổi. Có tới 95% số bệnh nhân được xác định chưa tiêm chủng sởi, hơn 4% trẻ mới tiêm mũi sởi thứ nhất thì bị nhiễm bệnh trong thời gian chờ tiêm mũi thứ hai. Ngoài ra, có tới 14% trẻ dưới 9 tháng tuổi đã bị nhiễm bệnh (trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng), điều đó cho thấy trẻ không nhận được kháng thể từ mẹ trong giai đoạn thai kỳ.

Tiêm vắc xin phòng sởi là giải pháp hiệu quả nhất giúp cộng đồng tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Để chủ động bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có ý định mang thai cần chủ động chích ngừa sởi; phụ huynh cần chích ngừa sởi cho trẻ mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc 18 tháng tuổi. Những trẻ chưa được chích ngừa hoặc không nhớ đã chích sởi hay chưa cần đến các điểm tiêm chủng gần nhất để được tư vấn, chích bổ sung nếu cần.

Bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng

Cùng với bệnh sởi, một loại bệnh nguy hiểm khác ở trẻ là tay chân miệng đang gia tăng nhanh trong tuần qua. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, sau khi giảm liên tục trong nhiều tuần, thời điểm cuối tháng 2 tay chân miệng bất ngờ tăng trở lại khiến 32 trẻ phải nhập viện. Tổng số trẻ mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay trên địa bàn là 368 trường hợp.

Bệnh gia tăng được nhận định là do thời tiết chuyển sang giai đoạn nắng nóng, tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh phát triển. Dự báo thời gian tới, tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng, nếu theo chu kỳ dịch hàng năm tay chân miệng sẽ đạt đỉnh dịch vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và đợt dịch thứ 2 rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 10.

 

y te (1).JPG

Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm, nguy cơ bùng phát dịch cao, cộng đồng không nên lơ là

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu chính của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, da... chủ yếu ở dạng bỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Cho đến nay bệnh Tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dù hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ nhưng một số trường hợp bệnh thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng,Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hành vi rửa tay cần đặc biệt lưu ý thực hiện trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, ly, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm