Thanh Hóa: Nguyên nhân lũ kinh hoàng khiến bản làng chìm trong tang thương
Thanh Hóa: Phát hiện xác chết gần nhà máy thủy điện, nghi trôi về từ vùng lũ / Thanh Hóa: 5 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại gần 300 tỷ đồng vì mưa lũ
Lũ ào ào đổ về mang theo củi, gỗ, bùn, đất đá quét qua bản làng, cuốn trôi hơn 20 căn nhà và 14 người dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Sau khi con lũ quét qua, đã có 10 người chết và mất tích, 4 nạn nhân may mắn được cứu sống.
Cơn lũ kinh hoàng bất ngờ ập đến khiến người dân Sa Ná, xã Na Mèo không kịp trở tay.
Theo người dân Sa Ná, dòng suối Son có chiều dài khoảng 15km, bắt nguồn từ bản Son, xã Na Mèo và hòa mình vào sông Luồng tại bản Bo Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.
Dòng suối này xưa nay vẫn hiền hòa, cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho bà con 2 bản Son và Sa Ná. Hàng ngày, người dân các tổ dân cư của bản Sa Ná vẫn qua lại sinh hoạt trên dòng suối này. Một bên là bản làng, một bên là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt một màu.
Cũng bởi sự hiền hòa của dòng suối Son bao đời nay nên không ai nghĩ rằng, vào sáng 3/8, con suối Son bỗng chốc trở nên hung dữ, như cơn đại hồng thủy, mang theo đất đá, cây gỗ từ thượng nguồn bất ngờ quét qua bản Sa Ná khiến người dân không kịp trở tay. Hơn 20 ngôi nhà lần lượt đổ sập, bị lũ cuốn, 14 người cũng trôi theo dòng lũ.
Cảnh tượng hãi hùng khiến Trưởng bản Sa Ná Nguyễn Xuân Phương và nhiều người dân trong bản đều cho rằng, đây là một hiện tượng bất thường, bao năm qua, nơi đây chưa từng có cơn lũ nào tàn khốc đến thế.
Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo nhận định, có thể mưa lớn khiến một phần quả đồi ở bản Son (cách vị trí lũ quét tại bản Sa Ná khoảng 12km) bị sạt trượt, cây cối, đất đá chặn ngang dòng suối, tạo thành một con đập. Lượng nước mưa tích tụ, hình thành một hồ nước lớn. Đến khoảng 7h ngày 3/8, có thể đập chắn này bị vỡ, túi nước khổng lồ ào về bản Sa Ná.
Tại buổi thăm hỏi đồng bào bị thiệt hại, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban tổ chức Trung ương chia sẻ: Nỗi đau mất mát của người dân vùng lũ là không gì bù đắp được, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng cũng như các lực lượng cần phải rút kinh nghiệm từ sự việc lần này.
Qua kiểm tra thực tế, Trưởng ban tổ chức Trung ương phân tích: Rõ ràng trên dòng suối (suối Son - PV) có một bờ chắn bằng cây, kè, bằng các thứ lâu năm, thậm chí hàng chục năm thấy bình thường, nhưng nếu chúng đánh giá được thực tế là thế nào cũng có lũ, có nguy cơ thành đê có thể bị vỡ thì chúng ta sẽ có những giải pháp kịp thời, hạn chế được tổn thất.
Với quan điểm này, Trưởng ban tổ chức Trung ương yêu cầu phải rút kinh nghiệm cho các sông suối ở các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên cả nước.
Thống kê từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, tính đến chiều ngày 10/8, số người chết do mưa lũ tại Thanh Hóa đã tăng lên 10 người (huyện Mường Lát 3 người, Quan Sơn 7 người); hiện còn 6 người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo vẫn còn mất tích.
Tổng thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đến chiều ngày 10/8 ước tính gần 800 tỷ đồng.
Những chiếc quan tài được đục sẵn
Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm những người còn mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ, động viên gia đình có người bị thương, chết, mất tích và tổ chức mai táng cho người chết.
Đồng thời, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho các hộ gia đình có nhà bị hư hỏng, bị cuốn trôi, sập mất hoàn toàn để ổn định đời sống nhân dân; xử lý, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường các hoạt động cứu trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra...
End of content
Không có tin nào tiếp theo