Tin tức - Sự kiện

Thêm quyền lợi để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Người lao động phản ánh, tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao.

Lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được điều chỉnh ra sao khi cải cách tiền lương? / Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu: Những quy định người lao động cần biết

Mong hạ tuổi nghỉ hưu

Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động, nhất là lao động nữ. Góp ý kiến vào dự thảo Luật dưới góc độ quyền của lao động nữ, bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: Vấn đề được công nhân lao động đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật đó là phương án rút BHXH một lần.

Chú thích ảnh
Công nhân khu công nghiệp Hà Nội tham gia chương trình khám sức khoẻ do Công đoàn tổ chức.

Theo đó, dự thảo đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần: Phương án 1, chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án 2, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.

Bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: “Thông tin này lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, và gây tác động lớn đến công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Người lao động cho rằng: Sẽ không ai muốn rút BHXH một lần, nếu như việc để lại có lợi cho họ. Đó là điều mà Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa nêu ra được”.

Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: Qua khảo sát nhanh tại Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội bằng lấy mẫu ngẫu nhiên tại 30 doanh nghiệp, kết quả cho thấy: Doanh nghiệp không có hiện tượng rút BHXH một lần là7 doanh nghiệp; 5 doanh nghiệp có hiện tượng rút BHXH một lần ghi nhận 1-2 trường hợp; 10 doanh nghiệp có hiện tượng BHXH một lần ghi nhận 3-5 trường hợp; 3 doanh nghiệp có hiện tượng rút BHXH một lần ghi nhận 6-9 trường hợp; 1 doanh nghiệp có hiện tượng rút BHXH một lần ghi nhận 10-15 trường hợp, đó là một công ty tại Khu Công nghiệp Quang Minh.

“Tìm hiểu lý do, chúng tôi được biết một số nguyên nhân như: Công nhân phản ánh, họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút BHXH một lần nữa. Một số người lao động khác cho rằng: Tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Từ đó, đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục BHXH được nữa nên nhu cầu hưởng BHXH một lần là đương nhiên”, bà Liên thông tin.

Bên cạnh đó, theo tính toán của một số người lao động, thời gian tham gia BHXH chưa đủ số năm để hưởng hưu và người lao động xác định không tiếp tục đi làm đóng BHXH nữa, họ chủ động lấy về một phần tài chính để đầu tư hoặc trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế tự sản xuất kinh doanh...

 

Trước thực tế trên, đại diện Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho rằng: Cần xem xét và cân nhắc các tác động tới an sinh xã hội của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Bởi, đối với cá nhân công nhân, do rút BHXH một lần nên người lao động không tiếp tục đi làm đóng BHXH nữa, đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần khiến doanh nghiệp lo lắng sẽ biến động lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuyển lao động mới.

Quan trọng hơn, việc rút BHXH một lần có nhiều hệ lụy, như khiến lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh. Một số lao động nữ khi rút BHXH một lần có thể dễ nảy sinh tâm lý “ở nhà nội trợ chăm sóc gia đình” sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế cho người chồng, bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng, stress khi không đi làm nữa gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Cần tăng chế độ để giữ chân người lao động

Từ thực tế trên, từ góc độ tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội kiến nghị: Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động cố gắng an tâm làm việc, ổn định lâu dài để đảm bảo thu nhập. Vì chính sách BHXH không chỉ dành riêng cho vấn đề rút BHXH một lần hoặc là chế độ hưu trí mà còn nhiều chính sách khác nữa, như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;...

Đối với cơ quan BHXH, cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.

 

“Chúng tôi mong muốn, những chính sách BHXH cần hết sức thận trọng có tính đến yếu tố dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để công nhân lao động yên tâm gắn bó, góp phần ổn định tại đơn vị, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm an ninh trật tự trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, bà Liên kiến nghị.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm