Thi THPT quốc gia 2019: Đề nghị lắp camera trong phòng thi
Doanh nghiệp có cần làm hồ sơ để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động? / Chủ tịch tỉnh đối thoại, người dân thả xe dự án sau 24 ngày 'giam giữ'
"Nhiễu" thông tin gây khó khăn
Kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia (kì thi quan trọng bậc nhất trong quá trình học 12 năm của học sinh) rất cần sự ổn định và thông tin nhất quán, rõ ràng. Bộ GD&ĐT đã công bố lộ trình đến 2020, lẽ ra cứ theo lộ trình đấy nhưng trong thời gian vừa qua, Bộ đã có những phát biểu làm thầy trò rất hoang mang, thậm chí cả các trường đại học, cao đẳng cũng băn khoăn: Kì thi không còn là “2 trong 1”. Kỳ thi chỉ đóng vai trò xét tốt nghiệp THPT, trong khi, hầu như không có thêm trường đại học nào tự tổ chức thi vào năm 2019.
Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã mất phương hướng trong một thời gian dài, việc dạy và học cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều học sinh và phụ huynh đang tin vào phương án: Các trường đại học sẽ tổ chức thi riêng, đề thi sẽ là tự luận, sẽ chỉ thi nội dung của lớp 12,…
Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm trong việc đưa thông tin bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu học sinh lớp 12 mà còn liên quan đến hàng chục triệu con người.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Lấy 70% điểm thi để xét tốt nghiệp là không hợp lí
Thứ nhất, nó mâu thuẫn với chủ trương đánh giá học sinh theo cả quá trình mà chúng ta đã đặt ra từ trước. Về lâu dài, chúng ta hướng tới bỏ thi và thay bằng xét tốt nghiệp dựa trên kết quả 3 năm THPT. Đây là một chủ trương đúng và phù hợp với xu thế trên thế giới, vừa giảm áp lực thi cử vừa đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện.
Thứ hai, những em học trung bình sẽ bị thiệt thòi, tính theo cách cũ có thể đỗ nhưng theo cách mới có thể trượt. Tỉ lệ tốt nghiệp sẽ thấp đi nhiều so với cách tính cũ.
Theo cách tính cũ: Điểm thi và điểm lớp 12 đều là 50%. Với khá nhiều học sinh, điểm lớp 12 như là phao cứu sinh.
Theo cách tính mới: Điểm thi chiếm 70%, điểm lớp 12 chiếm 30% nên nếu điểm lớp 12 gần bằng 5, điểm thi không cao học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.
Ví dụ: Xét 1 học sinh có điểm trung bình lớp 12 là 7.0, điểm trung bình bài thi tổ hợp KHTN là 4 (Toán: 5, Lí: 4, Hóa: 4, sinh: 3).
Theo cách cũ, điểm xét tốt nghiệp là (7 + 4): 2 = 5.5, học sinh đỗ tốt nghiệp.
Theo cách mới, điểm xét tốt nghiệp là 0.3x7 + 0.7x4 = 4.9, học sinh trượt tốt nghiệp.
Năm 2018, có khoảng 50 trường đại học có xét tuyển bằng học bạ (tùy tỉ lệ và yêu cầu khác nhau). Như vậy, các trường đại học cũng tin tưởng vào kết quả THPT, trong khi đó việc giảm về tỉ lệ 30% chứng tỏ Bộ GD&ĐT xem nhẹ hoặc không tin vào kết quả này.
Đề nghị lắp camera giám sát trong phòng thi
Về mặt kĩ thuật, Bộ dự kiến có nhiều thay đổi về an ninh, bảo mật tốt hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn một khâu quan trọng bị bỏ ngỏ: giám sát trong phòng thi.
Hàng năm, luôn có những phòng thi có điểm thi “bất thường” nhưng hầu như chúng ta “không làm gì được”. Nếu có tiêu cực trong phòng thi thì thường không để lại dấu vết trên bài thi, vì thế việc lắp camera sẽ hỗ trợ cho việc kiểm tra lại đồng thời có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực trong phòng thi.
Với khoảng 1 triệu thí sinh (40.000 phòng thi), tôi tính mỗi camera có sẵn thẻ nhớ giá khoảng 200.000đ (không cần mạng, không cần đi dây, không cần đầu thu), như thế chi phí tốn khoảng 8 tỉ đồng cho cả nước. Tôi nghĩ, việc này là cần thiết dù có tốn kém hơn.
Bên cạnh đó, cũng nên lắp camera khu vực in sao đề thi để đảm bảo tất cả các khâu của kì thi đều được giám sát.
Đề nghị công bố đề minh họa sớm và giới hạn nội dung thi của lớp 10 và 11
Để thầy trò thuận lợi trong việc học và ôn thi, Bộ GD&ĐT nên sớm công bố đề minh họa. Trước đây, có năm chúng ta công bố từ tháng 10, có năm công bố nhiều đề minh họa. Chưa có đề để tham khảo, chưa có thông tin rõ ràng, hiệu quả dạy và học rất hạn chế. Trong khi đó, các kì thi quốc tế như SAT, Toefl, Ielts, hay IMO,… tính ổn định rất cao, thông tin luôn đầy đủ và tường minh.
Thời gian còn lại là không nhiều, nội dung thi rất nặng. Dù tỉ lệ điểm không cao, nhưng không thể biết nội dung nào sẽ thi nên đương nhiên phải ôn hết kiến thức 3 năm. Nhiều giáo viên than thở, kêu bất khả thi, thậm chí chấp nhận chỉ ôn phần lớp 12, bỏ qua phần lớp 10, 11.
Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT nên công bố giới hạn các nội dung sẽ thi của lớp 10, 11, nếu không thì thầy trò sẽ ngập trong kiến thức 3 năm, tăng áp lực thi cử và các nhà trường sẽ phải học đối phó.
Đây là đề nghị cấp thiết với giáo viên, học sinh. Tôi nghĩ lúc này, điều quan trọng là làm sao để thầy trò thuận lợi nhất trong việc học và thi, làm sao để tổ chức một kì thi nhẹ nhàng, đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực và nghiêm túc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam