Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Hun Sen dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia
Doanh nghiệp có cần làm hồ sơ để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động? / Chủ tịch Hà Nội tiếp tục đề nghị trả lại tên “Bưu điện Hà Nội”
Campuchia luôn nằm trong top 3 thị trường lớn nhất thu hút đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen tham dự diễn đàn
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam có 210 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài là 3 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo, kinh doanh thương mại, y tế...
Về phía Campuchia, có 20 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 65 triệu USD tính đến nay, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiếp sau là lĩnh vực kinh doanh thương mại. Kim ngạch thương mại hai nước duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây và dự kiến năm nay có thể đạt 5 tỷ USD, vượt mục tiêu đạt 5 tỷ USD vào năm 2020.
Về phát triển du lịch, hai nước đang có sự tăng trưởng tích cực được thể hiện qua việc, Việt Nam là nước có du khách đến Campuchia lớn thứ hai và 10 tháng của năm nay đã có khoảng 500 nghìn lượt khách du lịch Việt Nam thăm Campuchia. Về phía nước bạn, khách du lịch Campuchia đến Việt Nam năm 2017 đạt 222 nghìn lượt.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong bối cảnh hợp tác hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo Chính phủ hai nước thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Với kim ngạch thương mại năm nay ước đạt 5 tỷ USD, dự tính, đến năm 2020 có thể đạt 7-8 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn
Trong tình hình kinh tế thế giới, mở ra nhiều khu vực và thách thức đan xen, đòi hỏi hai nước phải hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thực tế tiềm năng còn rất lớn, nếu hai bên tổ chức khai thác tốt thì có thể tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về sự hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia cùng là thành viên của ASEAN, trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN đã có nhiều quy định thuận lợi mở cửa thị trường cho vốn, hàng hóa, lao động, dịch vụ. Đây là cơ sở nền tảng mà các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các thuận lợi này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh lợi ích kinh doanh cần chú trọng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đối tác Campuchia, thực hiện các hoạt động xã hội, quan tâm đến cộng đồng và bảo vệ tốt môi trường. Đặc biệt là các tập đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, Petro Việt Nam, EVN, Tập đoàn cao su, BIDV... phải là những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam hoạt động đầu tư kinh doanh thành công tại Campuchia.
Nhân chuyến thăm của phái đoàn Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cám ơn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã dành cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Campuchia nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia.
Đáp lại thịnh tình của Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Samdech Hun Sen đánh giá cao các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam đã điều hành nền kinh tế chuyên nghiệp, giúp kiểm soát tốt lạm phát.
Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại diễn đàn
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới, bên cạnh đó cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.
Hơn một thập kỷ qua, Campuchia đã có sự thay đổi tích cực về kinh tế xã hội và mức tăng trưởng bình quân trên 7%, năm nay dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3% và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này thời gian tới. Campuchia đang tiến tới là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đang sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư và thông qua Luật về đặc khu kinh tế và sẽ hiện đại hóa hệ thống hải quan và thuế quan, khuyến khích về thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Ngoài các ưu đãi cho các nhà đầu tư, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia là quốc gia có dân số trẻ với 70% dân số dưới 35 tuổi (theo số liệu thống kê năm 2015) tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Campuchia không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Campuchia chúc mừng dân tộc Việt Nam khi có vị thủ tướng trẻ hơn ông hai tuổi, nhưng rất giỏi phát triển kinh tế cho đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh hai lần về khả năng lãnh đạo tài tình của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng như mong muốn quan hệ ngoại giao giữa hai nước thêm gắn kết, phát triển.
Về phía phái đoàn Campuchia trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea cũng nhấn mạnh về lợi thế của Campuchia, có dân số trẻ, lạm phát thấp dưới 4%, vị trí quốc gia không xa quá so với các nước cùng khu vực thuận lợi cho việc giao lưu, kết nối.
Bên cạnh đó, chính phủ hoàng gia Campuchia cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Campuchia, và tránh đánh thuế hai lần, ngăn chặn gian lận thuế, các doanh nghiệp sau khi đầu tư được hỗ trợ các chính sách để có thể thu lợi nhuận nhanh chóng mà không cần mất nhiều thời gian xin giấy tờ hay các thủ tục pháp lý.
Chuyến thăm và diễn đàn doanh nghiệp lần này giữa hai chính phủ Việt Nam - Campuchia mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch lớn giữa hai nước, tạo công ăn việc làm cho nguồn lao động dồi dào, an sinh xã hội và đặc biệt gia tăng tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo