Tin tức - Sự kiện

Tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ngày càng phức tạp

DNVN - Tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt với trẻ em gái, phụ nữ và nhóm LGBTIQ+ vẫn đang diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UNICEF triển khai hiệu quả dự án “Học tập cho trẻ em” / Bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp

Nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, ngày 15/3 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Plan International phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo “Hành trình đến với thành phố an toàn”.

Tại hội thảo các bên liên quan đã chia sẻ những nỗ lực hướng đến chấm dứt mọi hình thức quấy rối tình dục tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng và cùng đóng góp ý kiến, đề xuất để xây dựng thành phố an toàn,thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái.

Dù không phải vấn đề mới nhưng tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt với trẻ em gái, phụ nữ và nhóm LGBTIQ+ (đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới...) vẫn đang diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp. Theo Báo cáo khảo sát An toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng của Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.

Đại diện các bên tham gia dự án cam kết cùng nỗ lực hành động

Đại diện các bên tham gia dự án cam kết cùng nỗ lực hành động.

Sở dĩ vấn nạn quấy rối xảy ra với con số đáng báo động như vậy bởi những biểu hiện của nó luôn ẩn mình và được ngụy biện dưới những lời yêu thương, câu đùa vui... Chính vì vậy mọi người thường thờ ơ, hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của những hành vi đó. Đặc biệt, đa phần trong các trường hợp quấy rối tình dục, nạn nhân và cả những người chứng kiến đều có xu hướng im lặng.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng (LIGHT): ”Với phụ nữ và em gái nói chung đều gặp phải vấn đề rất lớn tại nơi công cộng bao gồm địa điểm hữu hình như xe buýt, công viên, và vô hình là trên môi trường mạng. Đối với các nhóm LGBT+, nhóm yếu thế khác: trẻ em, phụ nữ và em gái dân tộc thiểu số, người khuyết tật,.. còn gặp nhiều hạn chế trong cả cách tiếp cận thông tin, nhận thức vấn đề và di chuyển. Những vấn đề và rào cản bủa vây em gái, phụ nữ, người khuyết tật, các nhóm yếu thế khác, đến từ nhiều chiều không chỉ từ môi trường, điều kiện cơ sở vật chất và công đồng xung quanh mà còn từ chủ quan các đối tượng”.

bbb

Đại diện MSD - United Way Việt Nam, bà Trần Vân Anh phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, thanh, thiếu niên là một lực lượng quan trọng đối với tiến trình phát triển của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng. Sự tham gia của thanh, thiếu niên vào nỗ lực phòng ngừa bạo lực giới, xây dựng một cộng đồng sống an toàn, lành mạnh là điều quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, thanh niên được đánh giá là lực lượng ưu tú am hiểu về các vấn đề công nghệ tiên phong, dẫn đầu trong quá trình tiếp cận thông tin, dẫn dắt thay đổi tích cực trong xã hội.

 

Nhấn mạnh về vai trò của thanh, thiếu niên trong hành trình này, đại diện MSD – United Way Việt Nam, bà Trần Vân Anhđánh giá cao vai trò của thanh, thiếu niên trong nỗ lực xây dựng và kiến tạo một cộng đồng an toàn, thân thiện.

"Do đó, trong mọi hoạt động của mình, chúng tôi luôn huy động sự tham gia tích cực từ các nhóm thanh, thiếu niên bằng cách: nâng cao nhận thức, năng lực của các em về các vấn đề liên quan như vận động chính sách có chuyển biến giới, truyền thông xã hội về bình đẳng giới,… từ đó đồng hành và trao quyền để các em có thể thực hiện các sáng kiến do các em khởi xướng. Lắng nghe tiếng nói của thanh, thiếu niên được thực hiện thông qua các khảo sát, nghiên cứu, đối thoại thường kì để chúng tôi có thể tiếp nhận ý kiến và có cơ sở xác định các cơ hội thúc đẩy sự tham gia của các em vào nỗ lực phòng ngừa và ứng phó với các vấn đề bạo lực giới nói riêng và đóng góp vào quá trình kiến tạo xây dựng cộng đồng, thành phố an toàn, văn minh nói chung", bà Vân Anh nói.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Bạn Phan Thị Phương Thảo - Đại diện Câu lạc bộ (CLB) thủ lĩnh của sự thay đổi (COC) trường THPT Vân Nội chia sẻ: “Trong quá trình tham gia CLB COC, tôi cũng đã chứng kiến hoặc nghe rất nhiều câu chuyện của các bạn là nạn nhân của các vụ quấy rối và phân biệt đối xử trên cơ sở giới, ví dụ: các bạn nữ thường bị trêu khi đi ngoài đường, các bạn nam trong cộng đồng LGBT ở trường thích làm đỏm thì bị các bạn nam trêu chọc, tẩy chay. Chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ các bạn và tích cực truyền thông (trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt, đối thoại và trên các nền tảng mạng xã hội) để bạn bè và cộng đồng xung quanh về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống quấy rối và phân biệt đối xử“.

 


bbb

Nhóm 1977 Vlogs.

Nằm trong nỗ lực xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và em gái, bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: ”Chúng tôi có những kế hoạch và đang trong giai đoạn xúc tiến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật, đồng thời cũng có những hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và khảo sát thu thập dữ liệu. Không chỉ vậy chúng tôi cũng thúc đẩy phối hợp liên ngành và xây dựng các mô hình thí điểm về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Tất cả những hoạt động của chúng tôi đều mong muốn chung tay xây dựng một không gian công cộng an toàn hơn, thân thiện hơn cho phụ nữ và em gái. Vụ Bình đẳng giới sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các đơn vị để cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực”.

 

Là một nhà sáng tạo nội dung tích cực trong các chiến dịch cộng đồng, Nguyễn Việt Anh - nhóm 1977Vlogs đưa ra sáng kiến: ”Chúng ta cần truyền thông một cách khéo léo, những nội dung sáng tạo lồng ghép thông điệp tích cực, dễ chạm đến người xem để các bạn trẻ sống tốt hơn, nâng cao nhận thức để giúp các bạn trẻ khi gặp những tình huống như vậy biết cách xử lý và bảo vệ bản thân. Ngoài truyền thông, tôi vẫn mong có các hoạt động giáo dục giới tính ngay từ khi còn nhỏ, trước khi chờ người khác bảo vệ, các bạn nữ hay yêu chính bản thân mình, đừng tự ti bất kì điều gì từ bản thân mình. Chỉ có sự tự tin mới giúp các bạn vượt qua những khó khăn đến từ bên ngoài”.

Việc xây dựng không gian công cộng an toàn cho phụ nữ và em gái là vô cùng cần thiết, cần có sự ủng hộ, chung tay góp sức và hành động từ tất cả các đơn vị và công đồng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể trở thành những người tiên phong dẫn dắt sự thay đổi. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, đoàn kết hợp tác và nỗ lực hành động, mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt.

Hoài Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo