Bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp
Thầy giáo bị tố xâm hại nhiều nữ sinh tiểu học ở Quảng Nam / Tăng cường phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 6, khóa IX diễn ra vào sáng ngày 30/12 tại Hà Nội, bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị, báo cáo công tác của Mặt trật Tổ quốc cần bổ sung thêm vào nội dung nắm bắt tình hình dư luận xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, mua bán người.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội nghị
"Trong năm nay, thông tin từ đường dây nóng của Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhận được gấp đôi số lượng cuộc gọi kêu cứu. Các cuộc gọi liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, đặc biệt các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em trên mạng xã hội có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp hơn. Bởi vậy cần bổ sung đánh giá tình hình chung, tâm trạng của dư luận xã hội trong báo cáo", bà Nga cho hay.
Theo các thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, số nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên đã tăng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng đã ghi nhận số lượng tăng đột biến về trẻ em gặp khó khăn, áp lực, bị mắng, bị đánh trong khi học trực tuyến…
Về kết quả hoạt động, bà Nga chia sẻ, trong thời gian qua, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội phát động đã hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 314 trẻ mồ côi do tác động của dịch COVID-19. Các em được chăm lo sức khỏe lẫn tâm sinh lý và tiếp thêm nghị lực để các em vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành, xâm hại trong gia đình cao hơn.
Tham gia đóng góp ý kiến tại Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý nhận định: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội đã khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các gia đình, các thành viên có nhiều thời gian bên nhau hơn. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian phát sinh không ít mâu thuẫn, khó khăn xuất phát từ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh như mất, giãn việc làm, giảm thu nhập…”
“Để tiếp lửa tinh thần cho người trẻ vững tin vào tương lai, chiến thắng dịch bệnh COVID-19, vượt qua những thách thức trước mắt trong cuộc sống bình thường mới mỗi chúng ta cần nuôi dưỡng ngọn lửa tinh thần thiêng liêng trong gia đình, bởi gia đình là nơi chăm sóc, dưỡng dục mỗi người từ những ngày đầu đời. Gia đình là chỗ dựa vững chắc, nơi ấm áp nhất đối với mỗi người trong suốt quá trình trưởng thành” - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Hải Minh chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo