Tinh vi thủ đoạn lừa đảo cho vay lãi suất 0%
[INFOGRAPHIC] Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các đối tác lớn nhất năm 2022 / Khơi thông thị trường, hóa giải chuỗi cung ứng hậu COVID-19 (Bài 5)
Trong đó nổi lên làlừa đảocho vay tiền lãi suất 0%. Vậy thực chất cái bẫy lừa đảo này là như thế nào và vì sao lại có nhiều người sập bẫy?
Hợp đồng vay tiền và chiếc thẻ tín dụng giả là tang vật của vụ lừa đảo. Nạn nhân kể lại, mới đây qua mạng xã hội, chị đã tiếp cận được 1 đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng. Đối tượng này quảng cáo có thể giúp chị vay nhanh 50 triệu đồng, lãi suất 0%, thủ tục đơn giản và người vay chỉ phải thanh toán hơn 1 triệu đồng phí bảo hiểm khoản vay sau khi nhận được thẻ tín dụng và hợp đồng vay vốn. Chị đã chụp ảnh CCCD của mình gửi cho đối tượng mà không biết mình đã bị lừa.
"Tôi nhận được phong bì chuyển phát nhanh, trong đó có hợp đồng vay vốn và thẻ tín dụng. Tôi thấy khá yên tâm nên đã chuyển cho bên cho vay một khoản phí bảo hiểm 1 triệu đồng. Đến chiều ra cây ATM rút tiền thì thấy cứ báo lỗi. Khi tôi đến ngân hàng kiểm tra, ngân hàng báo hợp đồng vay vốn là giả và thẻ tín dụng cũng là thẻ giả. Lúc đó tôi mới biết là mình bị lừa", nạn nhân chia sẻ.
Hợp đồng vay tiền và chiếc thẻ tín dụng giả là tang vật của vụ lừa đảo.
Theo nhận định của cơ quan công an, vay vốn online lãi suất 0%, duyệt vay siêu tốc, chỉ cần CCCD. Những lời quảng cáo có cánh đang xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội như vậy thực chất chỉ là những cái bẫy của các đối tượng lừa đảo..
"Tinh vi là ở chỗ là các đối tượng giả danh ngân hàng, thỏa thuận với các bị hại là chỉ khi nào nhận được hợp đồng và thẻ tín dụng qua đường chuyển phát nhanh thì mới phải chuyển khoản phí bảo hiểm. Thực tế, nhiều người không xác minh được tính pháp lý mà chuyển ngay khoản phí bảo hiểm cho các đối tượng. Do số tiền bị chiếm đoạt không lớn nên nhiều nạn nhân đã không trình báo, dẫn tới danh sách nạn nhân tiếp tục nối dài", Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết.
Cơ quan công an cũng đưa ra nhận định, lừa đảo cho vay lãi suất 0% là chiêu trò không mới. Cách đây ít lâu, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt gọn ổ nhóm hơn 80 đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 600 người bằng hình thức này. Lời cảnh báo đã liên tục được đưa ra, nhưng vẫn có không ít người mắc lừa do thiếu hiểu biết và bị đánh trúng tâm lý muốn vay được tiền nhanh mà không phải trả lãi.
"Sau khi thu thập được thông tin của các bị hại, các đối tượng nghiên cứu rất kỹ những thông tin này và đặc điểm tâm lý của các bị hại cần vay tiền gấp mà không cần chứng minh năng lực tài chính, cũng như lãi suất cho vay chỉ 0%. Trên cơ sở đó, không chỉ một, mà một ổ nhóm các đối tượng cùng tham gia lừa đảo. Chúng phân công nhiệm vụ cụ thể. Có đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, có đối tượng giả danh nhân viên bộ phận bảo hiểm, cùng phối hợp nhịp nhàng với nhau dựa trên một kịch bản có sẵn khiến người dân rơi vào vòng xoáy của chiêu trò lừa đảo này", Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết thêm.
Biến tướng chiêu trò lừa cho vay lãi suất 0%
Đáng lo ngại, chiêu trò lừa đảo cho vay lãi suất 0% đã biến tướng và xuất hiện tràn lan dưới dạng các ứng dụng hay còn gọi là các app cho vay tiền miễn lãi trên mạng. Cơ quan công an cảnh báo, người dân cần hết sức cẩn trọng để không bị mắc lừa.
Nhiều người đã trở thành nạn nhân sau khi hoàn tất các thủ tục vay tiền qua các app cho vay miễn lãi. Số tiền họ nhận được chỉ là khoảng 60 - 70% giá trị khoản tiền muốn vay.
Nếu gọi điện yêu cầu giải thích, người vay tiền luôn nhận được những câu trả lời chung chung theo kiểu như: do thực hiện yêu cầu của hệ thống hay đây là khoản tiền thực nhận sau khi đã trừ các khoản phí dịch vụ. Khi sự đã rồi, người vay chẳng còn cách nào khác là đành chấp nhận chịu thiệt và đóng tiền trả lãi đúng hạn.
"Với hình thức cho vay này, người cho vay và người vay đã có thỏa thuận hợp đồng với nhau nên đây là hoạt động cho vay thật, dưới dạng hợp đồng dân sự, không phải là giấy tờ hợp đồng vay vốn giả như trường hợp trên. Tuy nhiên vấn đề ở đây chính là việc các đối tượng đã lợi dụng sự mập mờ về mặt thông tin trong thỏa thuận giữa người vay và người cho vay, sự thiếu hiểu biết không nghiên cứu kỹ các điều khoản của hợp đồng vay tiền để tạo ra một cái bẫy khiến nạn nhân không có cách nào khác là phải chấp nhận lộ trình giải ngân để trả nợ cho khoản vay, khiến cho nạn nhân phải chịu áp lực lớn về mặt tài chính. Một khi các nạn nhân không trả nợ được đúng hạn, rất có thể khoản nợ này sẽ bị chuyển đến các đối tượng đòi nợ thuê, từ đó nảy sinh ra rất nhiều tình huống phức tạp gây mất an ninh trật tự như nhiều vụ việc đòi nợ thuê đã từng xảy ra trước đây", Thiếu tá Phí Ngọc Anh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh, thông tin.
Phòng ngừa lừa đảo cho vay tiền online
Vậy để tránh rơi vào cái bẫy của các đối tượng lừa đảo, mỗi người dân khi có nhu cầu vay tiền, cần lưu ý những vấn đề gì?
Mỗi người dân cần đề cao cảnh giác trước các hình thức cho vay trực tuyến một cách dễ dàng; cần ghi nhớ một số đặc điểm thường gặp ở các app vay tiền lừa đảo. Đó là thường đưa ra mức lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm đã được quy định trong Bộ luật Dân sự; thường yêu cầu người vay phải cho phép truy cập vào danh bạ, tài khoản mạng xã hội của mình và phải đóng phí bảo hiểm khoản vay… Ngoài ra, trong quá trình đăng ký vay, các đối tượng thường dẫn dụ người vay tiếp cận với nhiều app cho vay khác thông qua việc truy cập vào đường link lạ.
Mỗi người dân cần đề cao cảnh giác trước các hình thức cho vay trực tuyến một cách dễ dàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Người dân nên tìm hiểu kỹ xem app vay tiền có website chính thống hay không; cần đảm bảo app vay tiền được phát triển và quản lý bởi đơn vị đã được đăng ký kinh doanh rõ ràng; kiểm tra kỹ các thông tin về lãi suất, khoản vay, thời hạn vay được quy định một cách rõ ràng và cần tiếp cận thông tin trên các báo chính thống ; không nên tiếp cận thông tin vay tiền trên các app, trên các hội nhóm, trên mạng xã hội", bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Phòng, cho hay.
Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến tận nơi có các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng uy tín để được hướng dẫn vay vốn theo đúng quy định.
"Người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng vay trước khi quyết định giao kết, trong đó lưu ý một số điểm như: thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, thời điểm, phương thức tính lãi, quy định về các loại phí cho vay, quy định về quyền và trách nhiệm của người dân đối với hợp đồng", bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Phòng, nhận định.
Người dân cần tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính hay bất kỳ một yêu cầu chuyển tiền nào khác. Đối với các trường hợp phát sinh giao dịch vay tín dụng, khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh