Tin tức - Sự kiện

Động lực tăng trưởng kinh tế

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với đòn bẩy từ các hiệp định thương mại tự do, các công cụ kết nối thương mại và sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp, xuất khẩu vẫn được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

[INFOGRAPHIC] Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các đối tác lớn nhất năm 2022 / Nông sản Việt ghi dấu ấn tại thị trường Pháp

Năm 2022, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn thích ứng và tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu tiêu dùng trên các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU được “giải nén” đã tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu quay lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, từ giữa năm, những hệ lụy của xung đột quân sự, khủng hoảng giá nhiên liệu, lạm phát khiến kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm nhịp và rơi vào khó khăn. Mặc dù vậy, với đòn bẩy từ các hiệp định thương mại tự do, các công cụ kết nối thương mại và sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp, xuất khẩu vẫn được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp xuất khẩu đặt nhiều kỳ vọng có một năm 2022 khởi sắc, bù đắp nhu cầu do gián đoạn thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng trước đó. Với chiến lược thích ứng linh hoạt, nhiều ngành hàng của Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục sản xuất sau thời gian trì trệ bởi dịch bệnh. Các thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU phục hồi sức mua nhanh hơn dự báo đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Nửa đầu năm 2022, nhiều ngành hàng xuất khẩu như thủy sản, gỗ, dệt may đã đạt được mức tăng trưởng rất khả quan, thậm chí một số ngành tăng trưởng “nóng”.

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2022.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng đối với ngành dệt may trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài.

Theo ông Vũ Đức Giang, kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2022 tích cực là nhờ vận dụng hiệu quả các các hiệp định thương mại tự do (FTA) với 15 hiệp định có hiệu lực đã mở ra hành lang thị trường rộng mở cho hàng dệt may Việt Nam; trong đó một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.

Tương tự như dệt may, thủy sản cũng có tốc độ tăng trưởng rất tích cực từ những tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 3 tháng đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì trong quý II, đến hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phân tích, mức tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2022 là do nhu cầu thủy sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp càng làm cho thị trường thiếu hụt nguồn cung thủy sản. Cùng lúc đó tại Việt Nam, sau đỉnh dịch (quý III/2021), nông dân nuôi trồng và doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và chế biến xuất khẩu rất nhanh, để kịp tận dụng được cơ hội thị trường và đáp ứng lượng đơn hàng dồn dập từ các nước.

Thủy sản cũng có tốc độ tăng trưởng rất tích cực từ những tháng đầu năm 2022.

Đồ gỗ và nội thất cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2022 khi lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu quan trọng đều tăng cao. Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng dồn dập và phải tăng ca sản xuất mới kịp thời gian giao hàng.

 

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, giữa tháng 4/2022, ngành gỗ Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội khi các nhà mua hàng quốc tế ngày càng chú trọng, đánh giá cao sản phẩm đồ gỗ, nội thất của Việt Nam và dịch chuyển mạnh về thu mua. Thời điểm đó, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã được khách hàng đặt kín đơn hàng đến quý III, thậm chí hết năm 2022.

Mặc dù xuất khẩu nửa đầu năm sôi động, nhưng từ giữa năm, một số ngành hàng xuất khẩu đã dự báo nửa cuối năm không thuận lợi do ảnh hưởng lạm phát, kinh tế suy giảm khiến người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu.

Là ngành có tăng trưởng “nóng” trong nửa đầu năm nhưng từ tháng 6/2022, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Giá trị xuất khẩu thủy sản nhiều tháng liền sau đó giảm dần đều. Tháng 6 giá trị xuất khẩu lần đầu giảm xuống mức dưới 1 tỷ USD/tháng; trong đó mặt hàng chủ lực là tôm thể hiện rõ nhất khi tháng 6 giảm 1%, sang tháng 7, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm gần 13%.

Từ tháng 6/2022, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 tiếp tục đà giảm, chỉ đạt 917 triệu USD, giảm hơn 3% so với tháng 7, xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD trong tháng 5, tới tháng 8, kim ngạch xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD.

Tháng 9/2022, xuất khẩu thủy sản chỉ còn 850 triệu USD. Đến tháng 11/2022 là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức âm, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11 chỉ đạt 780 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chính từ tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 - 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP phân tích, nửa cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chậm lại do nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu từ tháng 10 trở đi với mức tăng trưởng chỉ 2%, sang tháng 11 giảm tới 14% so với cùng kỳ. Dự báo, trong tháng 12, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm còn kéo dài sang năm 2023.

Theo bà Lê Hằng, lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I năm 2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu trong những tháng cuối năm.

Đến giữa tháng 12/2022, các doanh nghiệp gỗ cho biết tình hình đơn hàng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự khi tình trạng giảm đơn hàng ngày càng trầm trọng, dẫn đến phải cắt giảm lao động.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, tháng 7/2022 là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam có kết quả tăng trưởng âm sau nhiều năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số. Nguyên nhân là do do các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là châu Âu và Hoa Kỳ rơi vào lạm phát kỷ lục khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu hơn.

Theo khảo sát của các Hiệp hội gỗ tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều cho thấy, từ tháng 6/2022 trở về sau, đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm trên 30%, thậm chí có doanh nghiệp bị giảm đến 70 - 80%. Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ, nội thất quan trọng như EU, Hoa Kỳ, Anh đều giảm, thậm chí có thị trường giảm tới 50%. Thông thường những tháng cuối năm, sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do người dân có nhu cầu hoàn thiện, trang trí lại nội thất cho các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2022, các doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

 

Để có thể góp phần thúc đẩy xuất khẩu cho năm 2022, các hiệp hội ngành hàng đã nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp nhằm quảng bá ngành hàng. Các đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động kết nối thị trường, chú trọng đến các khu vực nhiều dư địa cho hàng Việt.

Theo đó, một chuỗi hoạt động hội chợ triển lãm chuyên ngành nhằm kết nối khách hàng và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh mới đã được thực hiện. Điển hình như Tuần lễ giao thương quốc tế Vietnam Furniture Matching Week 2022; Hội chợ triển lãm quốc tế Thủy sản Vietfish, Hội chợ quốc tế Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh…

Lãnh đạo Bộ Công Thương và HAWA thực hiện nghi thức khai mạc Vietnam Furniture Matching Week 2022.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch (HAWA) cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19, việc kết nối giao thương trực tiếp bị gián đoạn, do đó khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, Vietnam Furniture Matching Week 2022 nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp nội địa lẫn quốc tế, nhất là đội ngũ mua hàng đến từ rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Tuần lễ quy tụ được trên 800 đại diện đến từ trên 450 đơn vị trong ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ.

Cũng như ngành gỗ, sau hai năm gián đoạn, Hội chợ Triển lãm Thủy sản VietFish 2022 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức đã trở lại vào tháng 8/2022 với mục tiêu trở thành “Điểm đến kết nối chất lượng”. VietFish trở lại đã đem đến một sân chơi chuyên nghiệp, quy mô quốc tế cho các nhà cung cấp, đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới, hợp tác sản xuất, xuất khẩu.

Hội chợ Triển lãm Thủy sản VietFish 2022.

Tháng 10/2022, lần đầu tiên Triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh được tổ chức với quy mô hơn 240 gian hàng, gần 300 doanh nghiệp tham gia trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đa dạng. Ngoài các doanh nghiệp Việt Nam, triển lãm còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Đức, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia…

 

Bên cạnh đó, khi các thị trường xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn, các đơn vị hỗ trợ như Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã tích cực chuyển hướng kết nối với các thị trường trong khu vực, các thị trường ngách để tận dụng các thế mạnh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cũng như khai thác dư địa các thị trường ngách…

Nhận định nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản hiện đang rất lớn chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần, năm 2022, ngoài tuần lễ kết nối với thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị AEON, ITPC còn tổ chức kết nối trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp tỉnh Osaka nhằm tăng cường thương mại các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm.

Hàng hóa Việt Nam được chú ý tại Triển lãm quốc tế Thực phẩm và Đồ uống khu vực Kansai của Nhật Bản

Thị trường các nước Hồi giáo cũng được đánh giá là khu vực thị trường nhiều dư địa dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC nhận định, thị trường Hồi giáo là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, người Hồi giáo chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Pakistan, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông khác, tuy nhiên chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn theo luật Hồi giáo (Halal).

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích các sản phẩm đạt chuẩn Halal. Chính vì vậy, ITPC thường xuyên kết nối giao thương với các thị trường Halal như Malaysia, Indonesia, khu vực Trung Đông…

Ngoài ra, các khu vực thị trường khác như các Mỹ Latinh, các thị trường ngách thuộc khu vực Bắc Âu cũng được Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương kết nối, tăng cường thông tin về nhu cầu, tiềm năng và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn để khai thác hiệu quả hơn.

 

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn thị trường ngách là một quyết định phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ trong tình hình cạnh tranh khốc liệt. Giải pháp này càng phù hợp hơn trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn, thách thức như hiện nay. Thị trường ngách sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí truyền thông quảng bá sản phẩm, ít phải đối mặt với sự cạnh tranh, trong khi có thể gia tăng khả năng thành công với mức độ rủi ro thấp.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định năm 2022 là năm khó khăn nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của khủng hoảng lạm phát nhưng những doanh nghiệp có sự đầu tư từ đầu về chiến lược khách hàng, phân khúc thị trường phù hợp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất. Dự báo những tháng đầu năm 2023, kinh tế tiếp tục khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp đã chủ động tận dụng thời gian này để cơ cấu lại, củng cố năng lực để chuẩn bị đón đầu các cơ hội phía trước và sẵn sàng để đi đường dài.

Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Thiết Đan.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn khó khăn nhất, xuất khẩu vẫn là một những hoạt động tạo ra dòng tiền ổn định, thu lại lượng ngoại tệ lớn cho nền kinh tế. Những giai đoạn thị trường trầm lắng, dòng tiền của doanh nghiệp luân chuyển chậm nhưng nếu duy trì được sản xuất, dự trữ được hàng hoá nhất định thì khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sẽ chớp được thời cơ để tăng thị phần chứ không phải lúc đó mới rục rịch sản xuất.

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ tạo cầu nối giữa các tổ chức đại diện cho nhà nước và nước ngoài như mạng lưới tham tán thương mại để tìm hiểu, đánh giá đúng nhu cầu thị trường. Tiếp đến cần tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thông qua chính sách và nguồn vốn tín dụng tốt hơn.

Trong khi đó, phân tích về các biến động bất lợi cho hoạt động xuất khẩu thời gian gần đây, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong “nguy” luôn có “cơ” và việc doanh nghiệp cần làm là phải có các chiến lược phù hợp tận dụng được cơ hội đó. Cụ thể, khi thế giới biến động và nhiều rủi ro, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các khu vực có nền tảng chính trị ổn định hơn, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư mới. Chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy tạo ra khoảng trống, doanh nghiệp có cơ hội để tham gia vào quá trình thiết lập lại các chuỗi cung, mở rộng thị trường.

“Để biến nguy thành cơ, doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa thị trường và nguồn cung. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần nghiên cứu những ưu đãi đã có hiệu lực từ các hiệp định thương mại tự do để vận dụng một cách triệt để vào việc giảm giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

 

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty giày Trường Xuân, Ba Vì, Hà Nội.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công Mỹ nghệ Nguồn Việt (VietS) cho biết, để duy trì được sản xuất trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất, marketing cũng như bán hàng nhằm cắt giảm tối đa chi phí. Ở khâu sản xuất, công ty sử dụng máy móc nhiều hơn để giảm chi phí nhân công; chú trọng thiết kế các sản phẩm mới đa tính năng sẽ giúp khách hàng dễ quyết định mua hàng hơn.

“Những tháng cuối năm 2022, khi các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, nội thất vẫn đang khó khăn do đơn hàng giảm sâu thì tại VietS công nhân đang tăng ca sản xuất gấp rút cho các đơn hàng của quý I/2023. Những thị trường xuất khẩu chính cũng có tín hiệu phục hồi khi một vài khách hàng ở Mỹ, EU đã gửi yêu cầu đơn hàng mới từ giữa tháng dù chưa mua ngay. Dự báo lượng hàng tồn kho tại các khu vực trên đã tiêu thụ gần hết nên khả năng sức mua sẽ được cải thiện trong mùa mua sắm mùa xuân 2023”, bà Phạm Thị Hồng Quang chia sẻ thêm.

Ở lĩnh vực thủy sản, bà Võ Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Sông Tiền (Tiền Giang) nhận định, quý I/2023 xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khó khăn, có thể xảy ra thiếu nguyên liệu do thời gian dài người nông dân không thả nuôi. Tình hình lạm phát ở các nước vẫn chưa được cải thiện nên lượng đơn hàng mới chưa được cải thiện. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu sáng hơn cho những quý tiếp theo. Cụ thể, về nguyên liệu cá tra từ tháng 4/2023 trở đi sẽ ổn định, xuất khẩu cũng sẽ phục hồi. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là EU, doanh nghiệp cũng đã khai thác được thị trường Trung Đông và một số nước châu Á khác. Vì vậy, những doanh nghiệp nào chủ động và nhạy bén sẽ vững vàng bước qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nắm chắc cơ hội tăng tốc khi kinh tế thế giới khôi phục trở lại.

Để biến nguy thành cơ, doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa thị trường và nguồn cung.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Kết nối thời trang (FASLINK) chia sẻ: Để tham gia vào thị trường có tính cạnh tranh cao, đạt được giá trị xuất khẩu lớn hơn dựa trên giá trị gia tăng chứ không chỉ là tăng số lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần đầu tư cho nghiên cứu phát triển và chủ động liên kết chuỗi cung ứng nguyên liệu. Cùng với đó, quá trình hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng xu hướng bền vững trở thành yêu cầu tất yếu.

Bối cảnh thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, và trong mỗi thời điểm đều có khó khăn, thách thức riêng. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn về đầu tư vốn và công nghệ nhưng mặt khác phải nhạy bén về mặt quan sát xu hướng kinh tế của từng khu vực, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu. Bên cạnh đó phải liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong ngành cũng như đối tác hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để cùng nhau đi nhanh hơn, xa hơn.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm