Tin tức - Sự kiện

TP Hồ Chí Minh đã có hơn 15.000 trường hợp mắc COVID-19

Tính từ 18 giờ ngày 12/7 đến 6 giờ ngày 13/7, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 365 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 13/7 (BN32301 - BN32665). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 15.000 trường hợp mắc COVID-19.

Bản tin COVID-19 trưa 13/7: Thêm 983 ca mắc mới, TP Hồ Chí Minh nhiều nhất với 886 ca / Chủ tịch Quốc hội: “Vướng chỗ nào phải chỉ ra, không ngồi kêu rồi đổ thừa thể chế”

Ảnh minh hoạ.

Trong 365 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 336 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 29 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

Thành phố hiện có 12 chốt kiểm soát với các tỉnh lân cận, 310 chốt kiểm soát trong nội thành và thống nhất chỉ kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các chốt kiểm soát giáp danh với các tỉnh lân cận, không kiểm tra tại các chốt nội thành.

Để hạn chế người dân đi lại trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, bên cạnh sự tự ý thức của người dân trong việc thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, cần có sự tăng cường kiểm tra thực hiện quy định phòng dịch tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, số lượng người đi làm và tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Với hơn 1,1 triệu liều vaccine được tài trợ, Thành phố sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5 cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên gồm người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh lý nền, người già trên 65 tuổi, người nghèo, người hưởng chính sách xã hội, đối tượng người lao động làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích, công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn Thành phố.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ tổng hợp danh sách đối tượng tiêm chủng dựa trên dữ liệu quản lý tại địa phương, nhằm đảm bảo phân bổ vaccine tới đúng đối tượng theo quy định.

Đợt dịch thứ 4 xảy ra với sự xuất hiện của biến thể Delta, có tốc độ lây nhanh và lan ra diện rộng trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân.

Thành phố kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân, kết hợp thực hiện nghiêm chiến lược 5K + vaccine để nhanh chóng kiếm soát dịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc, ấm no của người dân.

TP Thủ Đức, phong tỏa 2 phường với gần 96.000 dân

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Thủ Đức vừa có văn bản số 4256/QĐ-BCĐ và 4257/QĐ-BCĐ về việc thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với phường Trường Thạnh và phường Bình Chiểu.

Theo đó, từ 0h00 ngày 13/7/2021 đến khi có thông báo mới, TP Thủ Đức áp dụng thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với phường Trường Thạnh. Phạm vi phong toả toàn bộ địa bàn phường Trường Thạnh bao gồm 4 khu phố, 30 tổ dân phố với diện tích 982,81 ha, dân số 6.362 hộ, 21.951 nhân khẩu.

Tương tự, tại phường Bình Chiểu, việc phong toả cũng được áp dụng từ 0h00 ngày 13/7 đến khi có thông báo mới. Phạm vi phong toả là toàn bộ địa bàn phường Bình Chiểu bao gồm 6 khu phố, 76 tổ dân phố với diện tích 541,02 ha, dân số 22.688 hộ, 73.825 nhân khẩu.

Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty. Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm tra thực hiện các biện pháp khẩn cấp về GTVT trên địa bàn

UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn về tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp về giao thông vận tải trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung đã được UBND TP chỉ đạo về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi TP Hồ Chí Minh do nhu cầu thật sự cần thiết (quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2279 của UBND TP Hồ Chí Minh) thì không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và vận động người dân trên địa bàn TP thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 và Công văn số 2279; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 16 và Công văn số 2279; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

Tổ chức tuần tra thường xuyên trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các trường hợp ra đường mà không có lý do chính đáng (chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết).

Chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn quản lý để phối hợp với các địa phương, các tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại giữa các địa phương để có giải pháp hạn chế đi lại (tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất; tổ chức xe ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông qua lại giữa các địa phương; tùy theo điều kiện làm việc cụ thể, xem xét điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất tại các phân xưởng nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo đúng quy định.

Tổ chức linh hoạt các chốt phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn; có phương thức kiểm tra, xử lý phù hợp, tránh để xảy ra ùn tắc, tập trung đông người; ưu tiên các phương tiện đã được Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện khi lưu thông qua khu vực kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các trường hợp lưu thông trên đường mà không thật sự cần thiết, không có lý do chính đáng.

Chỉ đạo các lực lượng ứng trực tại các chốt phòng chống dịch COVID-19 ra vào TP, có giải pháp linh hoạt trong quá trình hoạt động để hạn chế ùn tắc giao thông, tập trung đông người; phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức phân luồng tạo làn riêng (luồng xanh) và được ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện.

Sở Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi tình hình giao thông trên địa bàn TP, phối hợp với các đơn vị đầu mối tổ chức giao thông và cấp giấy nhận diện cho các phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia, hàng hóa lưu thông từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và các tỉnh khác có nhu cầu đến, đi qua TP Hồ Chí Minh trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm