Tin tức - Sự kiện

Vì sao lái xe ô tô đi lùi, ngược chiều trên cao tốc ngày càng nhiều?

Ngoài vi phạm của lái xe, các chuyên gia cho rằng, tình trạng đi lùi, ngược chiều trên cao tốc còn có nguyên nhân từ hệ thống báo hiệu chưa rõ ràng, thống nhất

Đại sứ Azerbaijan trao tặng xe lăn cho người khuyết tật Việt Nam / Sắp có đường bay thẳng từ TPHCM tới Vân Đồn, giá vé 800.000 đồng/lượt

Chủ yếu do “trượt” quá nút giao

TS Nguyễn Hữu Minh (Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia) cho hay, khi vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người chết đang được xét xử, thực tế vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc ô tô đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc.

“Các lái xe không sợ hãi, họ vẫn đi ngược chiều. Đây là điều đáng báo động và cần xem xét tổng thể” - ông Minh nói.

Vi sao lai xe o to di lui, nguoc chieu tren cao toc ngay cang nhieu? hinh anh 1

Chiếc container quay đầu đi ngược chiều rồi rẽ vào nút giao trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh cắt từ clip)

Theo TS Minh, nhìn lại các sự việc đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc xảy ra thời gian qua cho thấy, hầu hết các vụ việc đều liên quan đến việc đi quá điểm thoát ra khỏi cao tốc.

Trong đó, vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe Innova và xe tải làm 4 người chết trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xuất phát từ việc chiếc Innova không quen đường, chạy vượt nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), đi lùi và bị xe tải đâm phải.

Ngoài vụ việc nêu trên, có những vụ tình tiết vi phạm, nguy cơ tai nạn lớn hơn và hầu hết đều liên quan đến việc đi vượt nút giao. Đơn cử, vào ngày 23/8/2017, tại nút giao Đại Phúc (địa phận Bắc Ninh) trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có đến 4 chiếc xe con đi quá nút giao nối đuôi nhau đi ngược chiều, gây ách tắc cao tốc. Loại container cồng kềnh cũng tham gia vào vi phạm này.

Đơn cử, ngày 14/6/2018, một container biển kiểm soát Hải Phòng lùi khoảng 1km khi đi quá nút giao trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Quá trình lùi, chiếc xe này lạng từ làn trong cùng ra đến làn ngoài.

Trường hợp vào diện nguy hiểm nhất cũng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2018 là trường hợp chiếc container biển số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Chiếc xe này đi quá nút giao QL10 rồi quay đầu, ôm cua vào nút giao. Vì chiếc xe cồng kềnh nên lái xe phải bẻ lái nhiều lần, có lúc xe nằm ngang, chắn hết lòng đường. Xe khách - phương tiện chở nhiều người cũng tham gia đi lùi ngược chiều trên cao tốc. Đơn cử, ngày 2/5/2018, trên internet cũng xuất hiện clip một xe khách liều lĩnh quay đầu để đi vào nút giao QL 10 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Mới đây nhất, ngày 24/11/2018, một xe 7 chỗ chạy lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vì đi quá nút giao. Ngày 30/11, một chiếc 4 chỗ lùi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng vì đi quá nút giao QL 38.

Cách nào tránh vượt khỏi nút giao?

Nhiều lái xe cho biết, việc đi lùi hay ngược chiều là do tình huống đi quá nút giao dẫn đến. Kinh nghiệm lái xe non kém, tốc độ cao nên khó quan sát, biển báo quá ít, hoặc quá nhiều… là những nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải cho việc “trượt” khỏi nút giao.

Vi sao lai xe o to di lui, nguoc chieu tren cao toc ngay cang nhieu? hinh anh 2

Biển báo trùng lặp, rối mắt trên đại lộ Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: Sỹ Lực)

 

Về giải pháp cho lái xe, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, GĐ Taxi Mai Linh Hà Nội cho rằng, trong mọi trường hợp, lái xe phải tập trung chú ý đến biển báo, giảm tốc độ khi chuẩn bị đến nút giao. Ngoài ra, lái xe gia đình, lái xe không chuyên một cung đường phải tìm hiểu trước khi xuất phát.

“Hiện nay, hầu hết các tài xế đều đã có điện thoại thông minh, các lái xe hãy cài phần mềm hướng dẫn đường bằng lời nói. Cách này hỗ trợ rất tốt cho quá trình di chuyển trên đường thường và cả cao tốc” - ông Hùng chia sẻ.

Về tổ chức giao thông, TS Trần Hữu Minh cho rằng, hệ thống biển báo đường bộ nói chung và cao tốc của nước ta hiện nay đang nặng về “biển báo cấm”, trong khi hệ thống “biển báo hướng dẫn” có tác dụng rất tốt lại chiếm ít hơn.

“Biển báo hướng dẫn chưa đủ, biển báo nhắc lại còn thiếu. Ngoài ra, các nước đang chuyển dần sang hướng dẫn giao thông trên mặt đường vì lái xe rất tập trung quan sát mặt đường. Chúng ta nên học tập việc ghi địa danh trên làn đường tại các nút giao như các nước. Nếu áp dụng các biện pháp đó, hành vi đi lùi, đi ngược chiều...như thế này sẽ giảm rất nhiều” - TS Minh đề nghị.

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ cho rằng, một số nút giao hiện nay đặt tên khó hiểu. Chẳng hạn, Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư đặt tên nút giao Liêm Tuyền được lấy từ một tên làng cạnh nút giao, hay nút Đại Xuyên (là tên xã trên địa bàn).

 

Ông Lăng cho biết, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu bổ sung biển báo tại các nút giao đó có nội dung hướng đến những thành phố, tỉnh lỵ, huyện lỵ.

Ngoài ra, các nút giao trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai (cũng do VEC đầu tư) đặt tên bằng thuật ngữ kỹ thuật (ký hiệu IC kèm theo các con số) cũng được cho là không thuận lợi cho lái xe.

Ông Vũ Ngọc Lăng cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã có quy chuẩn về hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông tương đồng với thế giới. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn lắp đặt cụ thể nên có tình trạng mỗi đơn vị thiết kế, mỗi chủ đầu tư thiết kế, cắm biển báo khác nhau, không thống nhất.

“Tổng cục Đường bộ đã trình và Bộ GTVT xem xét ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc cắm biển để thống nhất cách thức cắm biển báo trên hệ thống đường bộ và cao tốc” - ông Lăng nói.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm