Vì sao số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh tăng nhanh?
TP Hồ Chí Minh: Dùng 150 xe taxi công nghệ chở miễn phí nhân viên y tế và bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh về nhà / Đà Nẵng: Phát hiện 27 ca nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn lây
Trong số 4371 ca mắc COVID-19 mới tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/8 được ghi nhận trên Cổng thông tin COVID-19 TP Hồ Chí Minh, đáng chú ý có tới 2236 trường hợp được phát hiện tại cộng đồng, 1582 ca qua sàng lọc tại bệnh viện. Những con số này tăng nhanh trong những ngày qua.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân do người dân chủ động đi tới các cơ sở xét nghiệm. Ngoài ra, việc tuân thủ giãn cách tại một số địa phương còn chưa nghiêm ngặt.
Nhằm kiểm soát nguồn lây, tiến tới làm sạch vùng xanh, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Thành phố cần tiến hành xét nghiệm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Vì vậy, kế hoạch xét nghiệm sắp tới có thay đổi, sẽ tăng số mẫu xét nghiệm.
Phân tích số ca mắc COVID-19 mới (Theo: Cổng thông tin Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh tiến hành xét nghiệm theo 3 giai đoạn để đảm bảo hiệu quả, cân đối giữa nguồn nhân lực y tế dự phòng và điều trị, phù hợp với tổng công suất xét nghiệm hiện nay của TP.
Từ ngày 15/8 đến 22/8: giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao.
Tại các vùng "xanh", "cận xanh", TP Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10), đại diện hộ gia đình tại các Tổ dân phố, Tổ nhân dân với tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Từ ngày 23/8 đến 31/8: giai đoạn tách nguồn lây nhiễm mạnh.
Đối với các khu phong tỏa: sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 theo hộ gia đình.
Đối với nơi ngoài khu vực khu phong tỏa: Thực hiện xét nghiệm đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Từ ngày 1/9 đến ngày 15/9: duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiến hành giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0 hoặc có tiếp xúc với F0).
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết, để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, ngành Y tế đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Y tế về việc điều trị các F0 trong thời gian sắp tới, trong đó tính đến phương án triển khai trạm y tế lưu động.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai thành lập 389 Trạm Y tế lưu động tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Mỗi trạm y tế lưu động phải bố trí một phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chánh, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị, ... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên. Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động sẽ quản lý và chăm sóc sức khỏe tại nhà cho khoảng 50 - 100 người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc-xin, …
Từ 16 giờ chiều ngày 19/8, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động 2 số đường dây nóng là 069.652.401 và 02866.822.000, không chỉ để tiếp nhận các ca mất vì COVID-19 mà còn để chăm lo cho dân, để dân yên tâm ở tại chỗ. Đường dây nóng có 4 tổ, người dân có thể nhắn và gọi để lực lượng trực nhận thông tin. Ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức đều có thành viên trong tổ giúp việc này để có thể sâu sát địa phương, phối hợp giúp đỡ dân ngay tức khắc.
Theo HCDC, tính từ 18h30 ngày 18/8 đến 19h ngày 19/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.425 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 164.342 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo