Tin tức - Sự kiện

Xâm nhập mặn bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Khắp nơi chịu hạn mặn

Hiện nay hạn hán, xâm nhập mặn đang tiến sâu vào các cửa sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau... người dân đang thiếu nước sinh hoạt, tưới cho cây trồng. Nhưng cũng có nhiều nơi, người dân đã thành thạo kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn, ổn định cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam / Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới

Để có cái nhìn toàn cảnh, nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết "Xâm nhập mặn bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long" để cung cấp thông tin chân thực đến độc giả.

Chú thích ảnh
Nguồn nước ngọt phía bên trong đập Minh Hà (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã cạn khô. Đây cũng là một trong nhiều hệ thống thủy lợi giúp ngăn mặn giữ ngọt cho gần 90.000 ha là vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Từ cuối tháng 1/2024 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã đối mặt với 2 đợt mặn xâm sâu vào đất liền. Diễn biến mặn ngày càng khốc liệt hơn và tác động đến đời sống, sản xuất, khiến người dân đứng ngồi không yên vì nỗi lo thiếu nước ngọt.

Mặn khốc liệt

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long có 4 triệu hecta đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản chiếm 3 triệu hecta. Đây là vùng đất trù phú, có tiềm năng và lợi thế sản xuất xuất nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50% cả nước, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70%.

Nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mekong, chỉ có 5% nội sinh. Khi vào mùa khô, từ tháng 12 đến hết tháng 4 hằng năm, nguồn nước ở khu vực này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong. Đây chính là là thời điểm cần sự nỗ lực nhất để có thể bảo toàn, duy trì diện tích sản xuất của người dân.

Hiện nay, tại các tỉnh hạ lưu sông Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… trên sông Cái Bé (Kiên Giang) độ mặn 4‰, xâm nhập sâu khoảng 22 km (xã Minh Hòa, huyện Châu Thành), độ mặn 1,0‰ xâm nhập sâu khoảng 26 km đến xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng.

 

Chú thích ảnh
Hình ảnh đặc trưng trên cánh đồng hoa màu vùng ven biển Bến Tre với rải rác các lu chứa nước. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 50 km đến xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao. Tại tỉnh Sóc Trăng, mặn diễn ra khốc liệt trên sông Hậu. Ông Đỗ Huy Lập, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng cho hay, mức rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh (Sóc Trăng) ở mức cấp độ 2.

Tại hạ lưu sông Tiền Giang, nhiều địa phương cũng chịu tác động lớn của hạn hán và xâm nhập mặn như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tăng nhanh từ ngày 7/3 và đạt mức sâu nhất trong các ngày 10-13/3, sau đó giảm chậm từ ngày 14/3 đến các ngày từ 20-22/3, tăng trở lại từ ngày 23/3. Riêng trên sông Cổ Chiên, tình trạng xâm nhập mặn giảm dần từ ngày 13-19/3, tăng trở lại từ ngày 20/3. Do đó, các địa phương cách cửa sông từ 72 - 79 km trở xuống nên theo dõi và kiểm tra độ mặn khi vận hành cống, sử dụng nước sông trực tiếp.

Chú thích ảnh
Hồ trữ nước ngọt bằng màng phủ bạt của người dân huyện Chợ Lách đầu tư để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Còn tại Tiền Giang, qua khảo sát ở huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, nhiều con kênh đã cạn nước. Dự kiến nguồn nước còn lưu trữ trong các kênh nội đồng có thể sử dụng tối đa trong 10 ngày tiếp theo. Trong đó, một số tuyến kênh chính lấy nước đưa về phía biển chỉ còn giữ nước chân nhằm tránh sạt lở.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, xâm nhập mặn năm 2024 ở địa phương đến sớm hơn, lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Độ mặn khu vực sông Tiền cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023.

Chú thích ảnh
Tưới hoa màu trồng trên vùng ven biển ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trên sông Hàm Luông (Bến Tre) xâm nhập mặn thấp hơn so với năm 2016. Trên sông Tiền, độ mặn xấp xỉ 4,0‰ đã xâm nhập đến cầu Xoài Hột, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách cửa sông 51 km. Độ mặn trên 1,0‰ ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, cách cửa sông 64 km và độ mặn trên 0,5 đã xâm nhập đến xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, cách cửa sông 68 km. Còn độ mặn trên 0,2‰ đã xâm nhập đến Vàm Trà Tân, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, cách cửa sông 72 km. Trên sông Hàm Luông, mặn đã xâm nhập qua sông Tiền, lấn sang phía Nam xã Ngũ Hiệp với độ mặn 0,43‰ tại bến phà Thới Lộc, thấp hơn năm 2016 là 0,97‰.

 

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, xâm nhập mặn ở Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh trong vài ngày tới. Trước diễn biến gay gắt trên, tất cả các cống ngăn mặn tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, Dự án Bảo Định, Dự án Phú Thạnh-Phú Đông, cống Xuân Hòa tại huyện Chợ Gạo sẽ đóng để ngăn mặn.

Nguy cơ cho sản xuất

Chú thích ảnh
Chị Võ Thị Liên (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) thu hoạch cà chua trên vùng ven biển chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long vừa trải qua 2 đợt xâm nhập mặn khốc liệt. Nhưng đỉnh điểm của xâm nhập mặn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ còn đối mặt với hai đợt hạn mặn lớn vào cuối tháng 3/2024 và đầu tháng 4/2024, nhưng khả năng sẽ thấp hơn cao điểm từ ngày 10 - 13/3. Tuy nhiên, xâm nhập mặn năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15 km, qua 2 đợt mặn đã tác động đến sản xuất nông nghiệp của toàn khu vực. Trong vụ Đông Xuân 2023-2024, diện tích sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,5 triệu ha, cho đến nay đã thu hoạch 600.000 ha, phần còn lại đang trong vụ thu hoạch rộ nên sẽ không bị ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
Hồ trữ nước để tưới vườn sầu riêng gần 7.000 m2 của gia đình ông Lê Ngọc Sơn (ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), bảo đảm 1 tháng tưới nước trong mùa hạn mặn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Dù đã kinh nghiệm nhiều năm ứng phó, nhưng nếu hạn, mặn kéo dài thì diện tích sản xuất cây ăn trái của nhiều địa phương sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông Lê Ngọc Sơn (ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), ngay từ giữa năm 2023, địa phương đã phát động người dân trữ nước để tưới cây ăn trái trong mùa hạn mặn 2024. Gia đình ông Sơn trữ 1.200 m3 nước phục vụ cho 6.000 m2 sản xuất sầu riêng. Nhưng cây sầu riêng rất nhạy cảm với độ mặn, chỉ cần độ mặn 0,2‰ thì đã không thể tưới sầu riêng. Do đó, việc trữ nước là giải pháp để cứu vườn sầu riêng sống được qua mua hạn mặn, chứ không thể giữ vườn đạt chất lượng như mong muốn. Với năng lực của gia đình, lượng nước trữ sử dụng trong 2 tháng tiếp theo với chế độ tưới tiết kiệm, phun xịt chống sâu bệnh, nếu vượt qua thời gian này, toàn bộ vườn sầu riêng sẽ chết do thiếu nước tưới, độ mặn lắng tụ trong đất sau nhiều lần tưới nước nhiễm mặn, dù vẫn ở ngưỡng mặn cho phép. Như vậy thiệt hại kinh tế sẽ lên tới gần 4 tỷ đồng/ha.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Hưng (ấp Phú Hưng, Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đầu tư hai ao phủ bạt để trữ nước ngọt từ năm 2016 với diện tích 350 m2/ao, sử dụng để tưới cho 150 cây mai lớn, nhỏ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Còn ông Lâm Văn Nghĩa Em (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) canh tác 6.000 m2 hoa màu các loại như cà chua, bầu bí cũng trữ nước để phục vụ tưới hoa màu. Ông cho biết, mặc dù thời gian sản xuất hoa màu ngắn ngày đã cho thu hoạch, gia đình cũng lót bạt trữ nước tưới, có thể sử dụng được 1,5 tháng tiếp theo nếu tiết kiệm, nhưng nếu hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài thì toàn bộ hoa màu cũng không thể sống được.

 

Ông Nguyễn Văn Tám (ấp Thân Bình, xã Thân Hữu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng lo lắng cho 3.200 m2 rau các loại trước diễn biến hạn mặn khốc liệt năm nay. Mặc dù ông đã áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm và trang bị màn phủ chống thoát nước, nhưng nguồn nước dự trữ hiện đang cạn dần, sẽ gây khó khăn cho gia đình đang sản xuất rau xanh.

Tại Tiền Giang có khoảng 35.000 ha cây ăn trái như sầu riêng, cây có múi, vú sữa… mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, người dân sản xuất 22.000 ha sầu riêng tại Tiền Giang được tập huấn các giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước hạn, mặn. Sở cũng đã khuyến cáo người sản xuất chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo đủ tưới và cung cấp dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu cây trồng, tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô giữ ẩm cho cây để tránh những nguy cơ thiệt hại sau hạn hán và xâm nhập mặn.

Bài 2: Nhà nhà trữ nước

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm