Tin tức - Sự kiện

'Nóng' các phương án quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thủ tướng: Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chiến lược / Khoản nào sẽ thay thế lương đặc thù từ 1/7/2024?

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Có 55 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ; các đại biểu phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể, thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cả về nội dung mang tính quan điểm, nguyên tắc, cơ chế pháp lý cả về chi tiết, từng điều khoản, quy định cụ thể của dự thảo. Nhiều đại biểu góp ý cả về nội dung pháp lý và kỹ thuật lập pháp; không chỉ góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Luật mà còn đóng góp ý kiến thiết thực nhằm hoàn thiện đồng bộ các chính sách, pháp luật có liên quan.

Đầu giờ sáng, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107), tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13). Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ với phương án 1. Theo đại biểu Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình), phương án 1 cơ bản đảm bảo tính kế thừa quy định hiện hành, không gây xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một số bộ phận người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua; có hướng tới việc khi có việc làm, có thu nhập thì sẽ tham gia bảo hiểm xã hội để tích lũy cho tương lai khi về già.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Hoa Ry phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu quan điểm: Báo cáo cho rằng phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án này lại tạo lát cắt chia thành hai nhóm khi tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Do đó, đại biểu cho rằng vẫn cần bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn, toàn diện hơn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng quy định về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần nhìn chung đều có ở các nước trên thế giới, nhưng với điều kiện hưởng khác nhau và đa phần rất chặt chẽ. Song ở nước ta, việc quy định chỉ nghỉ việc 12 tháng đến hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và ngay sau đó là bảo hiểm xã hội một lần thì hầu như chưa quốc gia nào quy định. Với nhận định mà thường trực Ủy ban xã hội đã nêu tại báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong tiếp thu giải trình chỉnh lý là phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu cho rằng phương án 2 tại điểm d khoản 1 Điều 74 của dự thảo luật là sẽ phần nào đáp ứng được những yêu cầu lập pháp trên.

Cũng có ý kiến cho rằng nên kết hợp cả 2 phương án và cho rằng, hai phương án đưa ra đều có những mặt được và chưa được, hoàn toàn chưa chắc chắn khi quyết định hai phương án đó khi có hiệu lực ban hành thì có gây ra hệ lụy xã hội hay không. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án có khác nhau, song các đại biểu Quốc hội cùng nhất trí rằng giải pháp cho vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần phải là có các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động một cách hữu hiệu.

Cũng trong phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc của chủ hộ kinh doanh và các cá nhân giữ chức vụ là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Ban kiểm soát không hưởng lương của Hợp tác xã. Các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với bảo hiểm xã hội; chế độ bảo hiểm với người lao động bị ốm đau, nghỉ thai sản.

Cuối phiên thảo luận chiều, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảm ơn các ý kiến đại biểu phát biểu tâm huyết, đóng góp nhiều nội dung quan trọng; cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định, Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Với các mục tiêu vừa phân tích, Chính phủ đã đưa ra hai phương án (qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị), đến ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự thảo luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội với chất lượng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo Luật hay không thông qua vào giai đoạn sau của Kỳ họp này.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm