Tin tức - Sự kiện

236 người bị ngộ độc rượu bia trong 3 ngày Tết

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 3 ngày Tết vừa qua ghi nhận 910 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, trong đó 236 ca ngộ độc rượu bia.

Người dân nô nức lễ hội xuống đồng xây dựng nông thôn mới / Đi 7 km trả 300 nghìn vẫn không gọi được taxi ngày Tết

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu. Cụ thể từ 7h sáng ngày 30 Tết đến 7h sáng mùng 2 Tết (24-26/1), các bệnh viện đã khám, cấp cứu cho 107.063 trường hợp, trong đó có 63.428 ca nhập viện điều trị nội trú.

236 người bị ngộ độc rượu bia trong 3 ngày Tết - 1
Các bệnh viện triển khai trực theo 4 cấp nhằm đảm bảo công tác khám, cấp cứu trong dịp Tết

Các cơ sở khám chữa bệnh đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 8.403 trẻ chào đời. Trong ngày mùng 1 Tết tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong các ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông song số tử vong lại tăng so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 13,5% trong tổng số khám, cấp cứu chung. Đã có 64 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về.

Bên cạnh đó, đã có 1.660 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, giảm 23%, đã có 5 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý có đến 910 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1% trong tổng số khám, cấp cứu. Trong đó 236 ca ngộ độc rượu, bia.

Nghiên cứu cho thấy ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu, bia ra ngoài. Một phần nhỏ được thải qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan. Tế bào gan có hệ thống men (enzyme) có nhiệm vụ chuyển hóa cồn trong rượu thành CO2 và nước, từ đó đào thải ra ngoài cơ thể. Song gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ.

Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan...

 

Uống rượu, bia thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan.

Vì thế, để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.

- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

 

- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm