Tin tức - Sự kiện

83 hộ dân Kon Tum tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo

Không cảm thấy mình còn nghèo, 83 hộ dân tại tỉnh Kon Tum đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

TP.HCM kiến nghị mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây / Hóa đơn tiền điện tăng cao: Giải pháp nào để tiết kiệm điện trong mùa nóng cao điểm?

Tại tỉnh Kon Tum trong năm 2019 vừa qua có 83 hộ dân đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đây chính là những điểm sáng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của địa phương này.

Ảnh minh họa.

Đi đầu trong thoát nghèo là những người trẻ

83 hộ dân Kon Tum tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 1.

A Díp, 34 tuổi, tự tin có thể làm giàu bằng sức lao động của mình nên đã tự ngyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Trong 83 hộ dân ở tỉnh Kon Tum tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, thì xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô tập trung nhiều nhất với 21 hộ. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Xơ Đăng sinh sống và thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Anh A Díp 34 tuổi ở thôn Đắk Trăm cho biết: "Mình còn trẻ, còn khỏe mình phải kiếm việc làm để đảm bảo cuộc sống. Bây giờ cuộc sống ổn định rồi nên mình xin thoát nghèo để nhường cho người khác."

 

Cách đây 3 năm, cuộc sống gia đình anh A Díp gặp rất nhiều khó khăn nên được chính quyền xã Đắk Trâm, huyện Đắk Tô xếp vào diện hộ nghèo. Nhưng với ý chí vượt qua khó khăn, anh A Díp đã biết đầu tư làm ăn và làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo từ đầu năm 2019. Hai vợ chồng A Díp đã vay vốn từ các chương trình xóa đói giảm nghèo, vay mượn thêm bà con đầu tư trồng 1 héc ta cà phê và đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Hôm chúng tôi đến tìm anh A Díp, hơn 11 giờ trưa anh A Díp vẫn làm việc ở rẫy cà phê của mình.

Có cùng suy nghĩ với A Díp là anh A Biết 31 tuổi ở xã Đắk Trăm cũng làm đơn xin thoát nghèo. Vài năm trước mới lập gia đình, vợ chồng anh A Biết làm đủ thứ việc nhưng vẫn không đủ sống, không đủ tiền nuôi 2 con nhỏ. Nhưng với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng anh A Biết đã chọn cho mình một nghề ổn định là buôn bán và đã mở một cửa hàng chuyên bán phân bón, các thiết bị nông nghiệp nên đã có nguồn thu nhập ổn định. "Vợ chồng mình vừa buôn bán vừa đi làm rẫy thêm cho mọi người trong thôn, nhập mấy năm vừa rồi ổn định nên mình xin thoát khỏi hộ nghèo." Anh A Biết chia sẻ.

Theo bà Võ Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, việc xã có nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo đã khẳng định hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 của địa phương. Điều này cũng cho thấy người dân đã nhận thức đúng về công tác giảm nghèo, từ đó tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để có thể thoát nghèo.

Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước

83 hộ dân Kon Tum tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo - Ảnh 2.

Đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cho thấy, các hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo trước đây đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn tích lũy không nhiều, thu nhập thấp; điều kiện sản xuất và kiến thức làm nông nghiệp rất hạn chế. Sau khi được hỗ trợ thông qua các dự án phát triển sản xuất đã nâng cao được thu nhập tăng gần 50% so với trước đây.

 

Việc các hộ dân nâng cao được đời sống thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo là điều đáng mừng, bởi điều nay cho thấy các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra để giúp người dân, trong đó có đồng bào địa phương đã đạt được những hiệu quả tích cực. Nhưng kết quả quan trọng hơn là đã tác động đến ý thức tự lực vươn lên của người dân ở vùng sâu, vùng xa từ bỏ dần sự trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. 83 hộ dân ở Kon Tum xin thoát nghèo là đều tự nguyện và chính quyền các xã có những hộ dân xin thoát nghèo cũng đã điều tra kỷ thu nhập, công ăn việc làm của từng hộ mới chấp nhận đơn xin thoát nghèo nhằm tránh trường hợp tái nghèo đối với các hộ dân xin thoát nghèo.

Theo Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, thời gian tới sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để có những biểu dương, động viên những hộ xin thoát nghèo; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư những phương án hỗ trợ, giúp đỡ để chính quyền các xã tăng cường các chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay để các hộ gia đình nghèo phát triển sản xuất kinh tế gia đình, sớm thoát nghèo bền vững.

83 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo cho thấy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 của tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến nay tỉnh Kon Tum đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,62%. Đây cũng là tiền đề quan trọng để địa phương này hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới 2021- 2025 với tỉ lệ giảm từ 3- 4% hộ nghèo mỗi năm.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm