Bắc Giang: "Việc lây chéo trong khu cách ly không còn là nguy cơ, mà chắc chắn đã xảy ra"
DNVN - Các mũi tấn công dịch tại Bắc Giang như xét nghiệm, điều trị đã tạm thời đi vào ổn định, thì hiện công tác cách ly lại trở thành vấn đề đáng quan tâm. Theo Tổ kiểm tra giám sát của Sở Y tế tỉnh, nếu quản lý lỏng lẻo thì tại nhiều khu cách ly người dân phải ở quay vòng, vài tháng không được ra.
Xem xét tổ chức thi đơt 2 cho thí sinh thuộc thuộc diện F0, F1, F2 và trong vùng cách ly / Hà Tĩnh: Học sinh lớp 12 ôn thi trực tuyến từ 7/6
"Việc lây chéo không còn là nguy cơ mà chắc chắn đã xảy ra trong thực tế"
Sáng 7/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã triệu tập các thành phần liên quan công tác này và tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế để tham vấn, hoàn chỉnh, nâng cao năng lực cách ly của tỉnh.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế cho biết hiện Bắc Giang có tới 240 khu cách ly (KCL) tập trung với khoảng 13.000 công dân. Về cơ bản, công tác cách ly đã khoanh vùng được tất cả những điểm nóng, số ca F0 chủ yếu trong các KCL.
Tuy nhiên, theo Tổ kiểm tra giám sát của Sở Y tế tỉnh, vì lực lượng mỏng, tổ mới kiểm tra, giám sát được khoảng 58 đơn vị, đạt 25% tổng số KCL. Nhiều đơn đơn vị quản lý KCL chưa quan tâm làm báo cáo hàng ngày, tỉ lệ báo cáo chỉ 50-60%. Hiện chỉ có 136/240 cơ sở báo cáo đều đặn, đạt 80% là TP Bắc Giang, Yên Thế, Lục Nam. Nhiều khi các quản lý KCL cũng lơ là, buông lỏng, thiếu giám sát nhưng vẫn báo cáo tốt, trong lúc đó huyện cũng không kiểm tra lại.
Một khu cách ly tập trung tại tỉnh Bắc Giang.
Một số cơ sở cách ly của trường mầm non thì cơ bản đáp ứng đủ nhà vệ sinh (NVS) riêng, còn các KCL tại trường tiểu học, THCS… vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh và nhà tắm chung… Đây là một trong những nguy cơ dẫn tới lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, có tình trạng nhiều công dân đã đủ 21 ngày cách ly, nhưng vẫn chậm nhận được kết quả xét nghiệm (XN), số khác sắp hết hạn cách ly lại bị “tính lại từ đầu” khi có ca F0, nên họ rất bức xúc. Nếu không làm tốt thì tại nhiều KCL người dân phải ở quay vòng, vài tháng không được ra.
Đại diện BCH Quân sự tỉnh đánh giá, công tác cách ly còn nhiều bất cập, việc lây chéo không còn là nguy cơ mà chắc chắn đã xảy ra trong thực tế. BCH Quân sự tỉnh đã họp trực tuyến với BCHQS các huyện để đôn đốc, khắc phục, hiện nay việc tháo gỡ khó khăn đối với NVS, nhà tắm… đã phần nào được đáp ứng. Bên cạnh đó, cũng tiến hành lắp đặt thiết bị phun khử khuẩn tự động tại NVS để khắc phục, hạn chế phần nào.
Vấn đề khác mà BCH Quân sự đang vướng mắc trong xử lý, đó là khi có ca F0 thì các F1 lại bị cách ly từ đầu, rất cần Sở Y tế có văn bản cụ thể để BCH Quân sự có căn cứ xử lý. Lực lượng mỏng, khuôn viên KCL rộng dẫn đến nguy cơ mất an toàn cộng đồng rất lớn.
“Do địa điểm rộng, quy hoạch ko tập trung, lực lượng mỏng. Có điểm rộng từ 8.000 -10.000 m2, tường rào không có, chỉ có 7 - 8 đồng chí làm nhiệm vụ canh gác, thì rất khó quản lý. Vài trường hợp “vượt rào” KCL ở Sơn Động vừa qua là điển hình khó khăn trong quản lý KCL”, đại diện BCH Quân sự tỉnh Bắc Giang nói thêm.
Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện tổ giám sát cách ly của tỉnh
Với tư cách đơn vị được tham vấn, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, chỉ huy tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng tôi nhất trí phương án thành lập Tổ công tác do tỉnh quyết định theo cơ cấu 3 bộ phận: Chỉ huy, tổng hợp, kiểm tra trực tiếp. Đề nghị có 5 lực lượng công an, quân sự, tài nguyên, văn phòng UBND và chủ lực là lực lượng Y tế. Vấn đề lưu ý là quyền lực của Tổ giám sát này cần được đảm bảo, có thể liên lạc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để đề xuất giải quyết ngay tại chỗ”.
Ông Nam lưu ý thêm, cứ KCL nào mới phát hiện F0 thì ngay ngày hôm sau phải kiểm tra ngay để kịp thời ứng phó. Thành lập thêm 1 KCL dành cho những người F1+, có nguy cơ cao, để quản lý riêng tránh việc lây chéo. Quản lý KCL trực tiếp có quyền giám sát qua hệ thống camera của KCL để thuận lợi cho quản lý.
Tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và các bộ phận liên quan công tác cách ly.
Đối với vấn đề quản lý cách ly, ông Dương Chí Nam đề xuất, "UBND, Sở Y tế rà soát lại điều kiện cho ra như thế nào, giải quyết vấn đề cho ra đối với người cách ly. Khi đủ 21 ngày chuẩn bị cho ra mà lại tiếp xúc F0 thì xử lý rất nan giải. Việc ai ký quyết định cách ly tập trung, gia hạn cách ly thêm… cần quy định cụ thể, không gây khó khăn cho triển khai”.
Trước tình hình báo cáo hàng ngày còn nhiều thiếu sót, ông Nam đề nghị CDC tỉnh điểm danh, báo cáo tỉnh chỉ đạo các huyện phải đảm bảo báo cáo kịp thời, xử lý nghiêm tình trạng không báo cáo.
Các thành viên trong tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đóng góp thêm những ý kiến về gấp rút thiết kế NVS, nhà tắm riêng tại các KCL do Bộ Quốc phòng quản lý, không để tình trạng 20 – 30 người tắm chung. Bên cạnh đó, việc trả kết quả XN cần phải để Ban quản lý KCL nắm được, chấm dứt tình trạng trả kết quả cho đối tượng mà người quản lý không nắm được. Ưu tiên xét nghiệm sớm cho những người sắp hết thời hạn cách ly, và có chế độ ưu đãi cho người bị gia hạn cách ly khi có tiếp xúc với F0.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch tỉnh Phan Thế Tuấn thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đánh giá cao những nỗ lực của tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế.
“Đợt dịch này lớn và diễn ra quá nhanh, UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá rất cao tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã lăn xả, kiểm tra, hướng dẫn, tham mưu để giúp chúng tôi kiện toàn hệ thống cách ly của tỉnh. Tới nay gần 240 cơ sở cách ly đã đi vào hoạt động khá quy củ, đầy đủ. Chúng tôi cảm ơn những đóng góp của tổ để giúp cho tỉnh có cách quản lý sát sao hơn nữa, duy trì công tác này về sau, đảm bảo thành quả phòng chống dịch COVID-19”, ông Phan Thế Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định tỉnh sẽ lập tức kiện toàn Tổ giám sát cách ly, rà soát các điểm nóng, đặc biệt về trang thiết bị vật chất, nghiêm túc chấn chỉnh việc giãn cách ở các điểm chưa đảm bảo dù có khó khăn đến đâu, để thực sự đảm bảo hiệu quả cách ly, giữ vững thành quả phòng chống dịch COVID-19 mà tỉnh đã đạt được.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Cột tin quảng cáo