Tin tức - Sự kiện

Bàn giải pháp hẹn chế thiệt hại lũ ống, lũ quét

Chiều 28/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Giải pháp hạn chế thiệt hại bởi lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cảnh báo dông, lốc, mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ / Nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc

Bàn các giải pháp nâng cao công tác dự báo lũ ống, lũ quét. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Diễn biến bất thường, khó dự báo

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, bất ngờ và ngày càng cực đoan, tính tàn phá khốc liệt hơn.

Sạt lở đất không chỉ ở lớp phủ bì mà sạt lở cả nửa quả đồi. Lũ ống và lốc xoáy xảy ra đồng thời ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Thực tế, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức. Hiện nay, ở nước ta chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà mới có khả năng cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng. Công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất sử dụng chủ yếu phương pháp thống kê, phân tích các đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, bản đồ phân tích các vùng mưa lớn kết hợp với tham khảo sản phẩm từ Hệ thống định hướng cảnh báo lũ quét MRCFFGS do Ủy ban sông Mê Kông chuyển giao.

Theo phân tích của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, nguyên nhân lũ ống và lũ quét khó dự báo chính xác là do thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Bên cạnh đó, các thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất... không có đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế.

 

Mặt khác, sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê nghiên cứu đầy đủ. Lũ quét thường xảy ra ở quy mô nhỏ, liên tiếp, mang tính địa phương. Vì vậy, nếu chỉ cảnh báo ở cấp trung ương sẽ không thể đảm bảo kịp thời cho hoạt động phòng chống lũ quét, sạt lở đất nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật. Khoa học công nghệ hiện nay lại chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác mưa định lượng và nhận biết sự biến đổi của các nhân tố là nguyên nhân tác động, gây ra lũ quét sạt lở đất.

Sớm lập bản đồ cảnh báo thiên tai

Tại hội nghị các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại tối đa cho người dân. Theo đại diện của Viện Khoa học địa chất khoáng sản, cần sớm triển khai “Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn” (theo Quyết định số:705/QĐ-TTg ngày7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ) mang tính tổng thể về phòng chống thiên tai, chủ yếu tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực ứng phó lũ quét, sạt lở đất trước mắt và lâu dài cho khu vực miền núi phía Bắc. Cập nhật chi tiết Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét cho các vùng, tỉnh có nguy cơ cao; đồng thời nâng cao tính chủ động, cập nhật ứng dụng phần mềm trong công tác cảnh bảo nguy cơ lũ quét có hiệu quả hơn.

Đặc biệt, cần chú trọng đẩy mạnh công tác điều tra chi tiết, nâng cao độ chính xác bản đồ trượt đất đá, lũ quét để giúp các địa phương khoanh vùng các điểm, vùng nguy hiểm, trên cơ sở đó tổ chức di dời khẩn cấp người dân; xây dựng các khu tái định cư an toàn trước mùa mưa lũ.

 

Các địa phương cần tập trung tuyên truyền cho người dân về kiến thức PCTT, vừa tổ chức lại lực lượng xung kích, bảo đảm hoạt động kịp thời, hiệu quả của lực lượng “tại chỗ”. Đồng thời bổ sung, bố trí lại phương tiện, thiết bị chuyên dùng hiện đại, phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi cho các lực lượng PCTT-TKCN theo hướng chuyên nghiệp.

Theo Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Kim Hoa, cần khẩn trương rà soát, di dời khẩn cấp dân cư tại các vùng có nguy cơ mất an toàn như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi ở mới, sớm ổn định đời sống cho người dân. Phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn, nơi định canh, định cư có điều kiện thuận lợi về đất ở, đất sản xuất, đường giao thông, điện, nước, y tế, trường học….

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau hội nghị này hai cơ quan sẽ báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai các chương trình, kế hoạch hành động trong phòng chống thiên tai cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc, thực hiện tốt Luật Phòng tránh thiên tai, Chiến lược Phòng tránh thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm