Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Quy hoạch ĐBSCL: Mở ra cơ hội mới, giá trị mới cho vùng / Đồng bằng sông Cửu Long: Triển khai kịch bản "ăn chắc" vụ lúa thu đông 2022
Ngày 7/9, tại TP Cần Thơ đã diễn ra “Diễn đàn Giao thương phát triển thủy sản bền vững doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam 2022” nhằm tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hà Lan để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam.
Diễn đàn do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với các đối tác chiến lược như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA), Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững của Hà Lan (IDH) tổ chức.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hà Lan để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam. Diễn đàn cũng tạo cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận về những thách thức ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát triển kinh doanh nuôi trồng thủy sản bền vững.
Đại biểu tham dự Diễn đàn Giao thương phát triển thủy sản bền vững doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam 2022.
Phát biểu tại diễn đàn ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam đã nêu bật mối quan hệ hợp tác lâu dài và chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt là trong chiến lược tiếp cận tổng hợp liên ngành nước - nông nghiệp - hậu cần nông nghiệp, cũng như phát triển chuỗi giá trị bền vững ở ĐBSCL. Đồng thời, mong muốn hợp tác để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, đồng thời quan tâm tới người dân và bảo vệ thiên nhiên của ĐBSCL.
“Hà Lan và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực “Nước và thích ứng với biến đổi khí hậu” và “Nông nghiệp và an ninh lương thực”. Các chuyên gia của Hà Lan đã thực hiện tư vấn kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam để xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL năm 2022. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Đồng thời, Hà Lan cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU, và lớn thứ sáu trên toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt trên 8 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2020”, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam cho biết.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại diễn đàn.
Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đang được nổi lên như là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng với 2 sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra và nhiều sản phẩm nuôi trồng có giá trị kinh tế khác. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu như nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội. Đặc biệt, ngành hàng cá tra của vùng đã phát triển thành ngành công nghiệp với chuỗi cung ứng dịch vụ, sản xuất, chế biến, thương mại khép kín, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Vũ Thanh Liêm cho biết, vùng ĐBSCL đang đối mặt với những tồn tại, thách thức do tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, vẫn còn khá phổ biến làm hiệu quả kinh tế thấp và thiếu bền vững. Nhận thức được những lợi thế và thách thức của vùng, Việt Nam đã có những chiến lược, định hướng để phát triển ĐBSCL nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Hà Lan là quốc gia có nhiều kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu, các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, kinh nghiệm phát triển thương mại và thị trường, thông tin nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng đối với các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, đây là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp hai bên chia sẻ thông tin, bàn giải pháp hợp tác, chuyển giao công nghệ nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL nói riêng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Ông Vũ Thanh Liêm nói.
Ông Lê Đình Huynh, Tổng thư ký, Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA) thông tin về sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này, ngành thủy sản vùng ĐBSCL cần có sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu trong nước; sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và bạn bè quốc tế. Do vậy, diễn đàn giao thương phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững doanh nghiệp Việt - Hà Lan lần này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chia sẻ thông tin, bàn giải pháp hợp tác phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL.
Đánh giá về thực trạng, cơ hội và thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, ông Lê Đình Huynh, Tổng thư ký, Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA) cho rằng, Việt Nam đang vận hành nhiều tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng thị trường quốc tế về bền vững, sinh thái. Đồng thời, đa dạng hóa ngành nuôi để phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và đẩy mạnh các vùng nuôi an toàn dịch bệnh và đạt chứng nhận cao hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tôm của Việt Nam đã xuất đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường trọng điểm chiếm tới 97% lượng xuất khẩu của ngành tôm.
Theo ông Lê Đình Huynh, ngành nuôi tôm đang đối diện với những thách thức về quy mô nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, giá thành sản xuất tôm đang ở mức cao. Tuy nhiên, ngành tôm cũng đang đứng trước nhiều cơ hội khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu tôm và vùng ĐBSCL đang có nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái sẽ đóng góp quan trọng để nâng tầm thương hiệu tôm Việt Nam
“Các hệ sinh thái nuôi tôm lúa và tôm rừng, được gọi là mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt nó phù hợp với nuôi tôm chất lượng cao để xuất sang thị trường quốc tế như là EU, chính các mô hình này đang cứu cánh cho chúng ta để phát triển thương hiệu tôm Việt trên thị trường quốc tế.” Ông Huynh nhấn mạnh.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) thông tin về tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Theo các chuyên gia thủy sản, EU là một trong năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 2 của châu Á cho EU.
Trong những năm gần đây, Hà Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU. Năm 2021, khối lượng xuất khẩu của tất cả các mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam sang các nước EU đều tăng trưởng khả quan. Ước tính các quốc gia EU có nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm lên tới 50 tỷ USD và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang đến cho Việt Nam những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Việc thực thi EVFTA đã góp phần làm cho các mã thuế cao trong khoảng 6-22% được giảm xuống 0% trong số khoảng 220 mã thuế. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần về 0% sau 3 đến 7 năm- Theo số liệu năm 2020 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hàng đầu chia sẻ câu chuyện nuôi trồng thủy sản Việt Nam thích ứng xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững trên thế giới.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu đã chia sẽ câu chuyện về nuôi trồng thủy sản Việt Nam trong cách thích ứng với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững trên thế giới.
Trong khuôn khổ diễn đàn, sự kiện kết nối giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan diễn ra cùng ngày nhằm kết nối các bên trong ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và Hà Lan, những triển vọng, thách thức đối với khu vực ĐBSCL và tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đón bình minh Đà Lạt cùng dàn sao ‘khủng’ của 5AM Concert
Giao lưu văn hoá nghệ thuật thắt chặt tình hữu nghị Đà Lạt – Chuncheon
Đà Nẵng đang trở thành trung tâm logistics quan trọng của miền Trung
Thu ngân sách vượt 6,3% dự toán năm 2024
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Bán vé tàu Tết và tổ chức chạy thêm chặng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025