Bảo đảm sức khỏe nhân dân vùng bị mưa lũ - Bài 1: Vượt lũ cứu thai phụ
Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau / Trao giải cuộc thi Ý tưởng trang trí hoa, điện chiếu sáng, linh vật và biểu tượng Tết Ất Tỵ 2025.
Nội dung này được phóng viên TTXVN thể hiện qua 2 bài viết: Bảo đảm sức khỏe nhân dân vùng bị mưa lũ.
Bài 1: Vượt lũ cứu thai phụ
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều y, bác sỹ các Trạm y tế tuyến đầu của tỉnh Ninh Bình đã vượt khó để cứu người theo phương châm "xung kích vì sức khỏe cộng đồng".
Kịp thời cấp cứu thai phụ trong vùng bị cô lập
Trạm Y tế xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan có 6 cán bộ, y bác sỹ. Những ngày qua, cán bộ y tế xã vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân vừa phát thuốc đến từng nhà bị ảnh hưởng và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ, trên địa bàn xã có hơn 1.000 người dân sinh sống tại 5 thôn ở khu vực ngoài đê bị ảnh hưởng. Nước tràn vào nhà, có nơi sâu đến hơn 2m. Vì vậy, công tác khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Chị Đinh Thị Mây, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Hòa chia sẻ, chiều tối 10/9, thai phụ Nguyễn Thị Mơ (sinh năm 1984 ở thôn Hữu Thường) có tình trạng vỡ ối trong khi không có người thân ở nhà. Gia đình chị Mơ lại bị cô lập do nước lũ nên chị Mơ đã liên hệ với Trạm xá. Nhận được điện thoại, Trạm đã phối hợp cùng chính quyền xã bố trí thuyền vào tận nhà để đón thai phụ. Đường ngập cộng thêm mưa lớn nên việc đón thai phụ rất khó khăn. Quãng đường không dài nhưng phải vận chuyển thai phụ bằng thuyền rồi lại chuyển sang xe máy mới tới được Trạm. May mắn chỉ sau 1 tiếng thai phụ đã sinh an toàn em bé cân nặng hơn 3 kg.
Sản phụ Nguyễn Thị Mơ chia sẻ, nhà chị bị nước ngập sâu nên dù đã "mẹ tròn con vuông" nhưng mẹ con chị được giữ lại trạm xá để bảo đảm an toàn. Các bác sỹ còn tạo điều kiện cho gia đình chị được mượn đồ bếp để tiện nấu ăn. Mẹ con chị cũng được các bác sỹ tặng bỉm và các nhu yếu phẩm.
Không chỉ có trường hợp chị Mơ, vào lúc 23 giờ ngày 16/9 có bệnh nhân bị suy tim cộng với phổi tắc nghẽn mãn tính cần cấp cứu, dù không trong ca trực nhưng khi bệnh nhân gọi điện, bác sỹ Đinh Thị Mây đã nhanh chóng đến nhà bệnh nhân để sơ cứu ban đầu. Nhà của bệnh nhân cũng bị cô lập bởi nước lũ nên bác sỹ Mây phải để xe máy ngoài đường và lội sâu đến 1m mới vào đến nơi.
Theo Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, từ ngày 8/9, ước tính mưa lũ đã gây ảnh hưởng tới trên 6.000 gia đình tại 86 thôn của 16 xã, thị trấn; trong đó có gần 3.700 hộ bị nước ngập vào nhà. Trung tâm y tế huyện chỉ đạo Trưởng Trạm Y tế các xã bám sát địa bàn ngập lụt, nắm chắc tình hình, cập nhật thường xuyên và kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và Trung tâm Y tế huyện.
Các trạm y tế xã duy trì công tác thường trực, trực cấp cứu 24/24h, mỗi trạm 2 cán bộ, sẵn sàng thu dung, cấp cứu bệnh nhân; chỉ đạo nhân viên y tế thôn bản cấp phát hóa chất, thuốc, tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp bảo vệ nguồn nước sạch dùng trong ăn uống, sinh hoạt; tiến hành vệ sinh môi trường sau khi nước rút, xử lý nước ăn, nước sinh hoạt đúng cách... Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các Trạm y tế các xã trong vùng ngập, úng khẩn trương tiếp nhận các loại thuốc, hóa chất, vật tư do Trung tâm Y tế cấp để kịp thời cấp phát đến tận tay người dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết, trong những ngày mưa lũ, một số trạm dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Nhiều y bác sỹ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nước lũ vẫn đến tận nhà sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân. Tính đến ngày 20/9, hai Trạm y tế xã Thượng Hòa và Đức Long đã đỡ đẻ thành công cho 2 sản phụ và sơ cấp cứu ban đầu cho nhiều bệnh nhân trong vùng bị cô lập bởi nước lũ.
Thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện
Cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tham gia ứng phó với bão lũ, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện để cấp cứu trong tình huống có thể xảy ra.
Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các đơn vị trong toàn ngành đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống lụt bão tại địa phương và địa bàn phụ trách, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở huyện Nho Quan, Gia Viễn. Ngay sau cuộc họp triển khai công tác phòng chống lũ, lụt trên địa bàn huyện Nho Quan và Gia Viễn, trong chiều 12/9, Sở Y tế đã quyết định thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cử 28 cán bộ chia thành 13 tổ; trong đó 12 tổ hỗ trợ các xã ngập lụt của huyện Nho Quan, 1 tổ thường trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan. Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tăng cường 4 tổ; trong đó tại huyện Gia Viễn bố trí 3 tổ, huyện Nho Quan 1 tổ. Các tổ cấp cứu ngoại viện đều chuẩn bị tất cả các cơ số thuốc cấp cứu cần thiết, máy đo bão hòa ô-xy, bộ đặt nội khí quản, bóng bóp, bình ô-xy...
Bác sỹ Trương Công Thành, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi đã cùng các đồng nghiệp trong 4 tổ cấp cứu ngoại viện chuẩn bị cơ số thuốc thiết yếu, máy móc sẵn sàng ứng trực, cấp cứu kịp thời..
Với tinh thần xung kích, đội ngũ y, bác sỹ các tổ cấp cứu ngoại viện đã kịp thời có mặt ở các địa phương để cùng đồng hành và có sự hỗ trợ tốt nhất cho tuyến y tế cơ sở trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài cuối: Phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
End of content
Không có tin nào tiếp theo