Dư nợ tín dụng gần 20 tỷ đồng giúp người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai để phát triển kinh tế - xã hội / Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 có gì đặc sắc?
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách nhân văn của Chính phủ cùng sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, các cấp, ngành, những người từng lầm lỡ có thêm niềm tin, cơ hội để hoàn lương, làm lại cuộc đời và có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách mới và nhân văn nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đối tượng được vay vốn ưu đãi này từ Ngân hàng Chính sách xã hội là người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Để triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng đối với cho người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện khẩn trương phối hợp với Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời.
Đơn vị cũng đã chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, niêm yết công khai thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã; rà soát các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện để cho vay kịp thời; triển khai đầy đủ các nội dung theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, hầu hết người chấp hành xong án phạt tù đều mong muốn có được công việc để ổn định cuộc sống, tránh xa các tệ nạn, vi phạm pháp luật. Nguồn vốn vay đối với người chấp hành xong án phạt tù được xem là “điểm tựa” để những đối tượng từng lầm đường, lỡ bước làm lại cuộc đời. Quá trình triển khai, nguồn vốn đã thực sự mang đến nhiều cơ hội cho người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, vay vốn chính sách để sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm, từng bước kiến thiết lại cuộc sống. Đến nay, tại Quảng Bình đã có 211 người chấp hành xong án tù được vay vốn với dư nợ gần 20 tỷ đồng.
Sau khi chấp hành xong án phát tù, anh Lê Trung D ở xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch trở về địa phương và là một trong những khách hàng được tiếp cận, vay vốn tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh Lê Trung D cho biết, trước đây, vì thiếu thốn tiền bạc và không có việc làm ổn định nên bản thân đã lao vào con đường phạm tội lúc nào không hay. Cái kết cho sự thiếu hiểu biết, làm giàu từ con đường không chính đáng ấy là những tháng ngày ngồi sau song sắt, khi bản thân nhận ra sai lầm thì đã muộn
Anh D đã cố gắng cải tạo tốt, mong chờ ngày hoàn lương trở về với gia đình, người thân. Từ ngày hoàn lương trở về, gia đình, địa phương, các cấp ngành luôn đồng hành, “tiếp sức” hỗ trợ trong hành trình tìm lại chính mình, nên anh D quyết chí làm ăn lương thiện, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình vườn – ao – chuồng ngay trên mảnh đất quê hương.
Những ngày đầu, anh D và gia đình gặp không ít khó khăn, trở ngại trong chăn nuôi như vật giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, điều kiện thời tiết thất thường, thiếu kinh nghiệm sản xuất và đặc biệt là thiếu nguồn vốn để làm ăn. Khi đang loay hoay tìm hướng giải quyết, anh Lê Trung D và gia đình đã được bà con làng xóm, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, Đoàn thanh niên xã Quảng Kim động viên, hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận được nguồn vốn vay theo Quyết định số 22 của Chính phủ.
Nhờ đó, anh D. và gia đình đã tiến hành làm thủ tục, hồ sơ vay theo quy định và được vay vốn số tiền 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch để tạo nguồn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Anh Lê Trung D cho biết, từ số tiền vay vốn ưu đãi, gia đình đã có thêm vốn để cải tạo ao hồ, mua thêm giống cua và tôm thẻ với số lượng 5.000 con giống để thả nuôi. Nguồn vốn tín dụng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với gia đình thực sự kịp thời, đúng lúc và rất quý. Nguồn vốn này đã giúp anh có thêm tự tin và quyết tâm, nỗ lực vươn lên lao động sản xuất, phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình, có được thu nhập ổn định và điều quan trọng hơn là bản thân làm ăn lương thiện, chính đáng.
Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Quảng Trạch cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động báo cáo và tham mưu, phối hợp với Công an huyện, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện giải pháp, đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và kịp thời.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, ngân hàng còn phối hợp, nắm thông tin, tiến hành rà soát danh sách đối tượng thụ hưởng, hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay. Từ đó hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù được người dân và các đối tượng thụ hưởng tin tưởng, đánh giá cao, đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phát triển. Tại huyện Quảng Trạch, đã có 39 khách hàng được tiếp cận và vay vốn ưu đãi này, với dư nợ đến ngày 18/9/2024 gần 4 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân và tạo điều kiện tối đa cho những người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận vốn vay ưu đãi theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan; định hướng, hỗ trợ để người chấp hành xong án phạt tù chấp hành đúng cam kết khi vay vốn…
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người chấp hành xong án phạt tù là giải pháp hữu hiệu và “điểm tựa” vững chắc để những người từng lầm lỡ trở về với đời thường có thêm động lực, tích cực lao động, sản xuất, tự tin vươn lên kiến tạo lại cuộc đời, không tái phạm tội và trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần giữ vững ổn định tình hình anh ninh – trật tự tại địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo