Bảo vệ 'lá phổi xanh' của Trái đất - Bài 1: Đại dương không phải là nguồn lợi vô tận
Sớm đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - New Zealand đạt 3 tỷ USD trong 2 năm tới / Những thay đổi quan trọng về BHYT từ 1/7/2024 người lao động cần biết
Việt Nam là một trong số 9 quốc gia đầu tiên tổ chức các sự kiện chào mừng Ngày Đại dương thế giới trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6/2009). Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có những hành động hiệu quả thể hiện quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị của đại dương gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Nội dung này được phóng viên TTXVN phản ánh qua hai bài viết: Bảo vệ “lá phổi xanh” của Trái đất
Bài 1: Đại dương không phải là nguồn lợi vô tận
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người, là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể bổ sung được.
Những cảnh báo nghiêm trọng
Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích Trái đất, được xem là “lá phổi xanh” khổng lồ cung cấp khoảng 50% lượng oxy cho hành tinh. Đại dương cũng là nơi hấp thụ 30% lượng khí CO2 do con người thải ra, qua đó góp phần làm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đại dương cung cấp protein chính cho hàng tỷ người trên thế giới. Hiện khoảng 3 tỷ người sống phụ thuộc vào hệ sinh thái đại dương và ven biển; khoảng 680 triệu người sống ở các vùng đất trũng ven biển và con số này được dự báo sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ người vào năm 2050. Hiện khoảng 80% lưu lượng giao thương hàng hóa toàn cầu vận chuyển bằng đường biển.
Liên hợp quốc cảnh báo, đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm rác thải. Cùng với đó, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy. Mặc dù vậy, con người vẫn không ngừng thải rác ra đại dương, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ trọng lớn.
Trong báo cáo được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa dạng sinh học và sinh thái biển được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đưa ra, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và nguyên sinh của Trái đất như trong các tảng băng ở Bắc Cực hay trong bụng các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana. Mỗi năm đại dương còn phải hứng chịu khoảng 19 đến 23 triệu tấn nhựa, trong đó rác thải nhựa dùng một lần chiếm tới 60%. Các sản phẩm nhựa trên thế giới được dự báo sẽ còn tăng gấp đôi vào năm 2040, đồng nghĩa ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp ba lần so mức hiện nay.
Là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, trên 3.000 hòn đảo, 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Thế nhưng Việt Nam cũng đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là những vùng đất ngập nước ven biển như Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nam Định…
Việt Nam là một trong số những nước thải lượng lớn rác nhựa ra đại dương với khối lượng khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển trên toàn thế giới. Khoảng 80% rác thải nhựa xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người; 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số khiến lượng rác thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo.
Trách nhiệm toàn cầu
Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ đại dương. Việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế tất yếu, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển và thậm chí cả các quốc gia không có biển. Vì vậy bảo tồn, phát triển bền vững đại dương đã trở thành trách nhiệm toàn cầu.
Từ ngày 19-20/6/2023 tại New York (Hoa Kỳ), Hội nghị Liên chính phủ của Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (còn gọi là Hiệp định về Biển cả). Hiệp định đánh dấu sự ra đời của văn kiện thứ ba thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (sau Hiệp định về đàn cá di cư và Hiệp định nhằm thực thi Phần XI của Công ước).
Sáng 20/9/2023 (giờ New York, Hoa Kỳ), Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định này nhân chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.
Hiệp định là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene biển ở các vùng biển quốc tế. Trên cơ sở nguyên tắc “nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại”, Hiệp định thiết lập khuôn khổ, phương thức chia sẻ lợi ích giúp cho các nước đang phát triển được chia sẻ công bằng lợi ích từ nguồn gene biển, bao gồm cả chuỗi thông tin số hóa nguồn gene biển.
Hiệp định quy định biện pháp phân vùng bảo tồn biển, nhằm cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững những khu vực cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng giữa nhu cầu phòng ngừa tác hại do các hoạt động trên biển cả gây ra đối với đa dạng sinh học biển…
Việc thông qua Hiệp định trên là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.
Việc ký kết Hiệp định cũng truyền đi thông điệp mạnh mẽ, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Ở bình diện quốc gia và quốc tế, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành thách thức toàn cầu. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động quyết liệt nhằm đóng góp vào nỗ lực chung, hướng đến một môi trường trong lành và phát triển bền vững. Các cam kết quốc tế được Việt Nam từng bước cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo cũng như về chính sách, pháp luật trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Việt Nam cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc.
Ngày 2/7/2020, theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp trung ương và mười tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã, bao gồm: Hà Tĩnh, Đồng Hới (Quảng Bình), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tân An (Long An), Rạch Giá và Phú Quốc (Kiên Giang).
Năm 2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, khẩn trương triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Bài cuối: Vì một đại dương xanh và bền vững
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam