Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản sông Hậu
An Giang: Lập tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm tín dụng đen / An Giang: Tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ văn hóa
Hơn 4 triệu cá giống được tái tạo
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, tính từ năm 2012 đến nay, đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rất nhiệt tình của các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các tín đồ tôn giáo hỗ trợ đóng góp với tổng kinh phí là 8,5 tỷ đồng; số lượng cá được thả tái tạo nguồn lợi là 164 tấn; hơn 4 triệu con cá giống quý hiếm, có giá trị kinh tế, giống bản địa bao gồm Cá Hô, cá Ét, cá Mè Hôi, Cá cóc, cá Chép, cá Basa, cá Vồ đém, cá Chạch lấu, cá Chày, cá bông lau…
Riêng trong năm 2022, số tiền đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh là hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó tiền ngân sách nhà nước là 440 triệu đồng. Số tiền đóng góp từ các tổ chức cá nhân là hơn 1 tỷ đồng, số lượng cá giống thả năm nay là 5 tấn cá giống; 587 ngàn con cá giống quý, hiếm, có giá trị kinh tế, giống bản địa, gồm cá Hô, cá Vồ Cờ, cá Tra Dầu, cá Ét Mọi, cá Mè Hôi, cá Thát Lát Cườm, cá Chạch Lấu, cá Cóc, cá Hú, cá Chày, cá Chép, Cá Bông Lau, cá Bống tượng, cá Vồ Đém, cá Basa, Cá Hú, cá He, cá Mè Vinh.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang kêu gọi toàn thể công dân hãy tích cực ủng hộ và tham gia buổi Lễ Phát động phong trào với chủ đề: "Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản".
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An, đơn vị đăng cai tổ chức buổi lễ thả cá năm nay cho biết: Trong thời gian đầu triển khai công việc gặp nhiều khó khăn, do tỉnh An Giang nói riêng và 2 tỉnh, thành bạn Cần Thơ, Đồng Tháp nói chung cũng vừa trải qua đại dịch COVID-19, tuy nhiên với sự ủng hộ và nhiệt huyết của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh, Sở NN&PTNT đã chuẩn bị thành công buổi lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh trên sông Hậu năm 2022.
Đoàn ghe, tàu phục vụ các đại biểu thả cá xuống dòng sông Hậu.
Phát biểu tại buổi thả cá, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác thả cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Hằng năm, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương tổ chức, tập trung vào các ngày như: Ngày truyền thống ngành Thủy sản, Ngày môi trường thế giới, dịp lễ Vu Lan, Phật Đản, góp phần quan trọng khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức.
Thứ trưởng cho biết thêm, chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng việc hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Việt Nam tổ chức thả hơn 53 triệu con giống cùng 136 tấn giống thủy sản các loại vào vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, thát lát cườm, he vàng, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh…
Đảm bảo sinh kế cho người dân
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp trên sông Hậu sẽ được tổ chức liên tục từ năm 2022 đến năm 2025, trong đó các tỉnh sẽ luân phiên đăng cai chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức buổi lễ. Năm 2022, Tổng cục Thủy sản cùng UBND tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với UBND TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp thả 587 ngàn con cá giống quý, hiếm, có giá trị kinh tế, giống bản địa về dòng sông Hậu.
Qua đó, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cũng kêu gọi toàn thể công dân hãy tích cực ủng hộ và tham gia buổi Lễ Phát động phong trào với chủ đề: "Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản"; hướng tới việc khai thác hợp lý, hiệu quả, ổn định và bền vững; không sử dụng ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt và đánh bắt các loài thủy sản cấm khai thác. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
Nhiều loài thủy sản bản địa, có giá trị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ suy giảm hoặc đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, về hoạt động bổ sung, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản nói chung và các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120 và giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện hoạt động: “Tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và vùng ven biển ĐBSCL”.
“Hoạt động này góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại ĐBSCL, tạo sinh kế cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới tất cả các tầng lớp nhân dân tại An Giang, các tỉnh ĐBSCL nói riêng và trên cả nước nói chung”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đàn cá sau thả góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản chung trên dòng sông Hậu.
Còn về những khó khăn, Thứ trưởng cho rằng, ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan; ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển… “Điều này ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân cũng như đa dạng sinh học nói chung và nguồn lợi thủy sản nói riêng. Nhiều loài thủy sản bản địa, có giá trị của vùng ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ suy giảm hoặc đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên”, Thứ trưởng chia sẻ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thứ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử và người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát tình hình sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Tôi mong rằng, trong giai đoạn 2022 - 2025, lãnh đạo và nhân dân 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ cùng Bộ NN&PTNT tổ chức thành công các buổi lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh, đồng thời phối hợp quản lý, bảo vệ đàn cá sau thả góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản chung của chúng ta trên dòng sông Hậu”, Thứ trưởng mong muốn.
Liên quan đến hoạt động thả cá giống, trước đó các Liên tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp yêu cầu người dân không đánh bắt cá trên sông Hậu ở khu vực phà Vàm Cống cũ và khu vực lân cận từ ngày 8/9 đến hết ngày 15/9 nhằm tạo điều kiện cho cá giống thả ra sông phát triển tốt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh