Bé trai 12 tuổi chết vì ung thư dạ dày do vi khuẩn lây qua bữa ăn
Lần đầu tiên TP.HCM thực hiện đại phẫu “3 trong 1” điều trị ung thư / Diệt đám rối thần kinh tạng: Chấm dứt đau đớn cho bệnh nhân ung thư
Thói quen ăn uống dễ nhiễm HP
Trao đổi với VietNamNet, TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, BV K cho biết, những năm gần đây, ung thư đường tiêu hóa có xu hướng trẻ hóa.
Trước đây, căn bệnh này chủ yếu gặp ở độ tuổi 50-70 nhưng hiện nay nhóm bệnh nhân 30-40 tuổi rất đông. Ngay tại BV K, tỉ lệ bệnh nhân 19-20 tuổi mắc ung đường tiêu hóa không ít.
“Ca bệnh mắcung thư dạ dày nhỏ tuổi nhất tôi từng gặp mới 12 tuổi. Rất tiếc sau 2 năm điều trị cháu đã tử vong”, TS Bình thông tin.
Khi xét nghiệm, cháu bé được xác định dương tính với vi khuẩn HP, là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày.
TS Phạm Văn Bình cho biết, ngoài ca ung thư dạ dày 12 tuổi nói trên, ông cũng từng phẫu thuật cho bệnh nhi 12 tuổi mắc ung thư đại trực tràng. Ảnh: T.Hạnh
TS Bình cho biết, cháu bé được phát hiện bệnh ở giai đoạn không còn sớm khi khối u đã lớn, có di căn gây hẹp môn vị. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn nhiều, cơ thể suy kiệt do thiếu máu, suy dinh dưỡng. Gia đình cho biết, do kinh tế khó khăn và ở xa trung tâm nên không biết để đưa con đến viện sớm hơn.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được truyền hoá chất song bệnh tiến triển nhanh nên cháu đã không qua khỏi.
Theo TS Bình, ở người trẻ mắc ung thư, tế bào ác tính sinh sôi nhanh hơn nhiều lần so với người trưởng thành, hệ thống đột biến gene “thắng” hệ thống sửa chữa rất nhanh nên tiên lượng điều trị thường kém hơn.
Vì sao vi khuẩn HP lại có thể gây ung thư dạ dày? TS Bình giải thích vi khuẩn HP có rất nhiều type, sống dưới niêm mạc dạ dày, sản sinh ra men urease từ đó phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính, lâu dần sẽ thoái triển thành ung thư.
Đây là loại vi khuẩn rất dễ lây truyền từ người bệnh sang người bình thường qua đường miệng và phân, trong đó lây qua dịch tiêu hoá và nước bọt là phổ biến nhất như gắp chung thức ăn, bón cơm cho trẻ, dùng chung bàn chải đánh răng, hôn…
“Việc gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát nước mắm với người Việt mình là văn hoá, giờ bảo thay đổi rất khó nhưng nên thay đổi dần”, TS Bình chia sẻ.
Nội soi dạ dày sớm là chìa khoá điều trị ung thư
Theo thống kê, khoảng 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP. Dù vậy TS Bình cho biết, không phải tất cả đều tiến triển thành ung thư. Chỉ những trường hợp nhiễm HP tiến triển thành viêm loét dạ dày, tá tràng mới có nguy cơ cao. Còn lại hầu hết người nhiễm HP trong suốt cuộc đời hầu như không có triệu chứng.
Với người bệnh bị viêm loét dạ dày mãn tính có vi khuẩn HP nhưng không điều trị triệt để, tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn 10-20 lần so với bình thường.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày dương tính với vi khuẩn HP, 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh, còn lại do các nguyên nhân khác.
Đáng lưu ý, khi nhiễm vi khuẩn HP thường bị tái đi tái lại nhiều lần, điều trị dai dẳng.
Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày
Để diệt trừ HP, bác sĩ thường sử dụng phác đồ điều trị 3 thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI.
Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn, có trường hợp phải điều trị rất nhiều lần với nhiều phác đồ.
Theo kết quả mới công bố, 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP nhưng 90% trong số đó lại kháng thuốc kháng sinh nên nhiều loại thuốc điều trị HP ở các nước khác đạt hiệu quả tới 80-90% nhưng khi điều trị tại Việt Nam chỉ đạt dưới 80%, thậm chí có những loại thuốc, chỉ khoảng 50%-60%.
Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng, không có những tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày, việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao.
Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng, thực thể.
Với trẻ em, do hệ miễn dịch còn non yếu nên khi bị nhiễm HP sẽ diễn biến rất nhanh. Khi trẻ mắc các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng).
Do đó cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.
TS Bình cho biết, hiện nay phương pháp vàng để chẩn đoán xác định viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày là nội soi dạ dày ống mềm, khi đó bác sĩ có thể quan sát kĩ tổn thương ở niêm mạc. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy sinh thiết để đánh giá mức độ viêm, xét nghiệm có HP hay không, từ đó có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Trường hợp được chẩn đoán ung thư dạ dày, chìa khoá quan trọng nhất là phát hiện ở giai đoạn sớm, khi đó bác sĩ chỉ cần cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi và bệnh nhân tái khám định kỳ.
TS Bình cũng khuyến cáo, người dân trên 40 tuổi nên nội sinh dạ dày, đại tràng định kỳ hàng năm, với những người có yếu tố nguy cơ như có viêm loét, gia đình có người thân từng mắc ung thư dạ dày, đại tràng cần nội soi sớm hơn và dày hơn.
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3, sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo