Tin tức - Sự kiện

Biến chủng virus SARS-Cov-2 mới ghi nhận ở Việt Nam có đáng lo ngại?

"Trường hợp bệnh nhân vừa công bố thì đã được cách ly ngay khi nhập cảnh nên biến chủng này không có khả năng lọt ra ngoài cộng đồng. Do đó, người dân không nên quá lo lắng mà cần chủ động thực hiện biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế", PGS. Trần Đắc Phu nói.

Quảng Bình kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống COVID-19 sau ca tái dương tính / Người thử vaccine Covid-19 Việt Nam sẽ được mua bảo hiểm rủi ro

Liên quan đến thông tin Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân mang biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 giống như ở Anh được Bộ Y tế công bố sáng ngày 2/1/2021, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho biết điều này đã được lường trước.

Theo ông Phu, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng. Khi một cộng đồng có nhiều người cùng mắc bệnh, khả năng họ vào BV và lây nhiễm tại đây rất cao, công tác kiểm soát và điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân vừa được công bố thì đã được cách ly ngay khi nhập cảnh nên không có khả năng biến chủng này lọt ra ngoài cộng đồng. Do đó, người dân không nên quá lo lắng, cần chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch như đã và đang thực hiện.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc phát hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2 phải được trải qua công tác giải trình tự gene từ cơ quan chuyên trách như Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ (Hà Nội) hay Viện Pasteur TPHCM. Nếu kết quả giải trình gene phù hợp, cơ quan này sẽ thông báo về địa phương để có sự điều chỉnh trong quản lý, theo dõi bệnh nhân phù hợp.

Dù vậy, ông Phu thừa nhận điều lo lắng nhất là nguy cơ nhập cảnh trái phép. Các đối tượng này nếu không được cách ly ngay, khả năng những người đó làm dịch lây lan trong cộng đồng rất cao. Đặc biệt, nếu có trường hợp nhiễm biến chủng của SARS-CoV-2 mà không được phát hiện.

Chuyên gia nói gì về biến chủng virus SARS-Cov-2 mới ghi nhận ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết biến chủng mới của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính của virus. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, sự biến chủng này của virus SARS-CoV-2 tăng khả năng lây truyền nhưng không làm tăng tình trạng nặng của bệnh tật. Mặc dù quan ngại, song chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó với chủng này.

Trước đó, sáng ngày 2/1, Viện Pasteur TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc phát hiện biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 giống ở Anh. Theo báo cáo, Viện đã phát hiện BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01, là chủng mới được ghi nhận ở Anh thời gian gần đây. Đồng thời, chủng gây bệnh cho BN 1435, cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.

Theo Bộ Y tế, BN 1435 là nữ (SN 1976, quê quán tỉnh Trà Vinh) về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. Trước khi về Việt Nam, BN 1435 có sức khỏe ổn định. Sau khi nhập cảnh và cách ly 1 ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TPHCM làm xét nghiệm, khẳng định dương tính ngày 24/12/2020. Đồng thời, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại BV Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amydal cấp và các triệu chứng lâm sàng giảm dần từ ngày 24/12 đến 30/12/2020. Ngày 31/12/2020, bệnh nhân có ho nhẹ, không đau họng, không sốt, chưa ghi nhận khó thở, hình ảnh X-quang có tổn thương mờ không đồng nhất 2 đáy phổi. Hiện bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm phổi và tiếp tục được điều trị theo dõi sát tại BV Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh.

Người chồng sống cùng nhà với BN1435, hiện đang ở Anh, đã tự đi xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm