Bộ Công Thương yêu cầu tăng số lượng nhập khẩu xăng dầu
Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng / Hỗ trợ lao động mất việc phải nghỉ Tết sớm
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu đã được phân giao từ đầu năm và phần bổ sung.
Cụ thể, chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng năng lực sản xuất và các thương nhân đầu mối tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6/2023. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá; nghiên cứu đề xuất để có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn kinh doanh xăng dầu cho từng trường hợp cụ thể.
Trong 11 tháng qua, liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi sử dụng từ 33 - 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận", Bộ Công Thương cho hay.
Trước đó, Bộ này đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 là với tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3/tấn xăng dầu. Kịch bản 2 là khi tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3/tấn xăng dầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo