Tin tức - Sự kiện

Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng

Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đã ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật với những con số ấn tượng.

Giải marathon quốc tế Di sản Cần Thơ 2022 thu hút hơn 5000 vận động viên tham dự / Đà Nẵng: Đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng

Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Đích thân Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các dự án, công trình trọng điểm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công là thông tin nổi bật trên nhiều trang báo ra trong tuần.

Đặt trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu, riêng TP Hồ Chí Minh mới giải ngân đạt 34%. Đáng nói là một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân thì chuyến kiểm tra hiện trường một số dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa thể hiện quyết tâm cao độ trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của lãnh đạo Chính phủ, báo Đầu tư bình luận.

Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt trên 58 % kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã đẩy toàn bộ áp lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công vào 2 tháng cuối năm. Nếu không có giải pháp đột phá, quyết liệt thì rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra, theo tờ Người lao động.

Rất "sốt ruột" với tình trạng chậm giải ngân đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn ở trong kho bạc đang làm mất cơ hội đầu tư nhiều chương trình, dự án cần thiết khác, trong nhiều cuộc làm việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Thủ tướng đã giao cụ thể từng bộ, ngành trực tiếp giải quyết những vấn đề tồn đọng và giao thời hạn hoàn thành vì các dự án trọng điểm nếu sớm hoàn thành sẽ phát huy tác dụng và tiết kiệm được chi phí. Ngược lại, càng kéo dài thì sẽ đội chi phí và sớm muộn sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ảnh minh họa.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nguồn vốn được Quốc hội, Chính phủ "chắt chiu", tính toán rất kỹ lưỡng cho từng khoản đầu tư và còn nhiều doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thì tình trạng chưa được giải ngân hoặc không thể giải ngân không chỉ thể hiện kỷ luật, kỷ cương thực hiện ngân sách chưa nghiêm mà còn gây nên sự lãng phí không nhỏ.

Theo báo Đại biểu nhân dân, Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Trong đó, đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng chính là nền tảng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công hiệu quả và cũng cần tránh lặp lại hiện tượng cấp trên chỉ đạo quyết liệt, nhưng tiến độ vẫn bê trễ như một số dự án trong thời gian qua.

Dự báo xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 780 tỉ USD năm 2022

 

Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật với những con số ấn tượng đó là kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt cả năm ngoái. Xuất siêu đạt hơn 10 tỉ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 0,6 tỉ USD; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD (cao nhất cùng kỳ 11 tháng của 5 năm qua); thu Ngân sách Nhà nước vượt hơn 16% dự toán; doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng 33%.

Vượt qua khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế, Việt Nam tự tin hướng tới mốc xuất nhập khẩu 780 tỉ USD cho cả năm 2022. Đây là bước đệm để Việt Nam đạt con số kỳ vọng khoảng 1.000 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2025, báo Lao động bình luận.

Những ngày cuối năm, nhiều tín hiệu tích cực đến từ nông sản Việt. Nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao vươn tới các thị trường khắt khe như châu Âu. Xuất khẩu nông sản 11 tháng đã chạm mốc 49 tỷ USD (còn cả năm ngoái là 48,6 tỷ USD)

Trong đó, lần đầu tiên, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD - mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản sau 20 năm tham gia vào thị trường thế giới và hết năm dự báo sẽ cán mức 11 tỉ USD, theo báo Lao động).

Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng - Ảnh 2.

Dự báo xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 780 tỉ USD năm 2022. Ảnh minh họa.

 

Xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ: Hành trình 6 năm đàm phán

Cũng trong tuần, thêm một nông sản Việt là quả bưởi tươi được xuất khẩu vào Mỹ - thị trường khó tính bậc nhất hiện nay.

Theo báo Nông thôn ngày nay, để có được lô bưởi đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, ròng rã 6 năm qua, người dân các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi đã và phải chuần bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra. Bưởi là trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Câu chuyện về con cá, con tôm và trái cây mang về một khoản ngoại tệ hàng chục tỷ USD mỗi năm là minh chứng thuyết phục khẳng định, nông nghiệp đã phát huy được vài trò là trụ đỡ của nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện tại, các ngành hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đang vào giai đoạn nước rút để về đích. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 55 tỉ USD, vượt mục tiêu Chính phủ gia, theo báo Tiền phong.

 

Rõ ràng là những tín hiệu rất lạc quan trong tháng cuối năm nay. Nhiều tổ chức Quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng và dự báo mức tăng trưởng năm nay khoảng 7%, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang nhuốm màu xám.

Tuy vậy, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam (thuộc hàng cao) với thế giới, khó khăn dự báo sẽ là thách thức lớn cho các năm tiếp theo. Thực trạng thị trường chứng khoán, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đang thực sự thử thách niềm tin các nhà đầu tư. Doanh nghiệp phải đối mặt với các kênh dẫn vốn ngày càng eo hẹp.

Trong đó, giải cứu thị trường bất động sản đang được kỳ vọng làm tan "cục máu đông" đang có dấu hiệu vón lại. Dự báo công việc của Chính phủ trong năm tới sẽ còn nhiều áp lực hơn nữa. Trong cái khó sẽ ló cái khôn và quan trọng khi có niềm tin, mọi việc mới có thể hanh thông, báo Tiền phong bình luận.

Chủ động ứng phó với những vấn đề phát sinh

Tại phiên họp Chính phủ trong tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

Các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời, khai thác tốt thị trường nội địa, đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn cho doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản... Tiếp tục chấn chỉnh những việc làm sai, làm chưa đúng để bảo vệ người đúng. Song song với việc này, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm