Tin tức - Sự kiện

Bộ máy mới, tư duy mới và khát vọng mới

Hôm nay 1/7/2025, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại toàn bộ 34 tỉnh, thành phố chính thức đồng loạt vận hành. Không chỉ là một chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự thay đổi sâu rộng này còn là cuộc cách mạng tư duy trong quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Công bố nhân sự chủ chốt 2 tỉnh rộng nhất nước sau sáp nhập / Chính sách công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng hai con số

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm và làm việc tại Trung tâm Hành chính phường Ninh Kiều. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ba cấp gồm tỉnh, huyện và xã từng phát huy hiệu quả, ổn định xã hội, tổ chức phát triển trong thời gian dài. Song, mô hình này cũng lộ rõ nhiều bất cập trước yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nổi lên là cấp huyện thiếu quyền tự chủ, thủ tục rườm rà và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp. Trong khi đó, cấp tỉnh lại loay hoay xử lý hàng loạt nhiệm vụ không cần thiết, còn cấp xã thì chưa thực sự được trao đầy đủ quyền lực, công cụ để phát huy vị trí “gần dân nhất”.

Bộ máy phình to, gánh nặng biên chế cồng kềnh ngày càng trở thành áp lực lớn đối với sự phát triển của quốc gia.

Sự cồng kềnh đó như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà không ít lần đề cập cả trong nghị trường và bên lề Quốc hội: Trên thế giới, chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả cấp tỉnh cũng vậy. Vì thế, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam khi chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người chiếm đến 62%, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư.

Con số Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu khiến chúng ta giật mình. Nên nhớ, năm 2024 với mức tăng trưởng hơn 7%, quy mô GDP nền kinh tế nước ta vào khoảng 476 tỉ USD.

Bởi thế, không tinh gọn bộ máy không phát triển được!

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (tháng 10/2017), Đảng ta đã đặt ra vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (tháng 10/2023), Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và kết luận về việc tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương.

Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc cải cách hành chính có ý nghĩa chiến lược. Đó cũng là sự nhìn nhận thấu đáo, quyết tâm cải cách bộ máy hành chính của Đảng và Nhà nước trước những tồn tại kéo dài đã nhiều năm. Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị quyết không để những hạn chế cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trong 35 ngày diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với nhiều luật, nghị quyết quan trọng khác để tạo sự đồng bộ, cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương hai cấp. Quốc hội cũng đã đưa ra các quyết định mang tính bản lề về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã: giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành và chỉ còn 3.321 đơn vị xã, giảm 6.714 đơn vị hành chính.

Thế nên hôm nay, 1/7/2025, khi cả nước chính thức vận hành mô hình mới là chính quyền địa phương hai cấp, nhân dân đang rất trông đợi và kỳ vọng mô hình này sẽ mở ra một giai đoạn hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả; phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước, thực sự vì dân và do dân.

Có một điều mà ngay bây giờ, nhân dân cả nước có thể cảm nhận rất rõ là mô hình này chắc chắn sẽ giúp rút ngắn quy trình quản lý, giảm tầng nấc trung gian; tiết kiệm ngân sách, giảm biên chế và chi thường xuyên. Việc bỏ chính quyền cấp huyện cũng đồng nghĩa với trao quyền mạnh hơn cho chính quyền cấp xã, gần dân, sát dân hơn. Tăng cường vai trò điều phối và quản lý tổng thể của cấp tỉnh, có khả năng quy hoạch, điều hành linh hoạt hơn nữa.

Nhưng để thành công như kỳ vọng, việc thực hiện cần đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, từ pháp lý đến tổ chức bộ máy và từng nhân sự. Rồi việc phân cấp, phân quyền giữa cấp tỉnh và cấp xã, như đâu đó từ cơ sở đã có phản ánh là: Đôi khi chưa rõ ràng. Hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương mới phân cấp đến cấp tỉnh, do đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả khi triển khai trên thực tế đối với cấp xã. Năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý, giải quyết vấn đề của một bộ phận cán bộ ở cấp địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, còn chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền.

Tất cả những vấn đề này cần được giải quyết thấu đáo, rõ ràng. Tuyệt đối tránh để xảy ra tình trạng “đổi mô hình nhưng không đổi cách làm”!

Hôm nay, chính quyền hai cấp đã chính thức vận hành. Địa giới hành chính từ 63 tỉnh, thành hiện xuống còn 34 tỉnh, thành. Đây là thời điểm để chứng tỏ cuộc “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử, đánh dấu giai đoạn phát triển mới.

Chú thích ảnh

Và điều đó như thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi đi: “Đây là cơ hội quý báu để chúng ta đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân. Đây là kết quả của sự nghiệp Cách mạng 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng; 80 năm Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng thành tựu 40 năm đổi mới”.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm