Bộ trưởng GD-ĐT: Thi THPT quốc gia sẽ không phục vụ mục tiêu '2 trong 1'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia từ năm tới sẽ không phải để phục vụ mục tiêu “2 trong 1”. Do vậy, đề thi sẽ bám sát hơn với THPT.
Trong lúc chờ mổ tử thi, người đàn ông bất ngờ sống lại / Dự báo thời tiết 25/9: Nắng nóng bao trùm khắp miền Bắc
Sáng nay, 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Xác định 2 mục tiêu làm khó cho việc ra đề
Báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khẳng định, đề thi đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt với kỳ thi THPT ở quy mô toàn quốc, và khi kết quả kỳ thi được phục vụ đồng thời hai mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Báo cáo cũng đánh giá việc xây dựng đề thi đã được Bộ GD-ĐT đầu tư, đề thi qua từng năm được Bộ giám sát lộ trình và mục tiêu, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời có tính chất phân hoá tăng dần để phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Việc xác định 2 mục tiêu đồng thời cho kỳ thi THPT quốc gia (gồm xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng) là không dễ khi xây dựng đề thi. Mặt khác, từ yêu cầu này dẫn tới cấu trúc đề thi được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đã tạo áp lực lớn đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu thi tốt nghiệp THPT, mà không có nguyện vọng tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, khó có thể đạt điểm thi THPT cao.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban này, bộ đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT ban hành muộn hơn so với các năm trước, nên phần nào ảnh hưởng đến công tác tổ chức ôn tập của các nhà trường.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chỉ ra những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Ảnh: Tuệ Nguyễn. |
Ngoài ra, thi THPT quốc gia hiện hành còn bộc lộ các hạn chế khác như cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi làm đề thi của Bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hoá (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia), phần lớn ngân hàng câu hỏi chưa dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Về hình thức thi trắc nghiệm, báo cáo cho rằng, do đây là hình thức khá mới ở một số môn, kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm của đội ngũ giáo viên ở các trường chưa nhiều, nên chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập... Chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan ở một số môn thi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đề thi có nhiều câu hỏi không yêu cầu học sinh phải tư duy, suy luận hay sáng tạo, mà chủ yếu đòi hỏi nhớ hoặc vận dụng ở mức độ thấp. Đặc biệt, với môn toán, việc chuyển hoàn toàn sang hình thức thi trắc nghiệm đã tạo phản ứng khá gay gắt...
Đối với các môn tổ hợp, báo cáo chỉ rõ thực tế chỉ là thi 3 môn trong 1 buổi, chưa là các đề thi tổ hợp kiến thức. Điều này tạo áp lực với các thí sinh, 1 buổi thi 3 môn, mỗi môn 50 phút và chỉ nghỉ 10 phút giữa 2 môn.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị, để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá trình độ, năng lực của học sinh phổ thông, Bộ GD-ĐT cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, bảo đảm chất lượng đề thi. Nghiên cứu hoàn thiện các bài thi tổ hợp, đảm bảo kiến thức tổng hợp và khoa học.
Đề thi sẽ không phục vụ cho mục tiêu “2 trong 1”
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều cử tri đặt vấn đề tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia đã quá cao, đạt “ngưỡng”, nên việc tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT có cần thiết nữa hay không? Nếu giữ kỳ thi này thì nên cải tiến theo hướng nào để vừa gọn nhẹ lại vừa tránh được những sai phạm lớn như trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay?...
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã có nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các nước. Hiện nay, thi THPT quốc gia vẫn rất nhiều nước thực hiện. Quốc tế vẫn còn tin tưởng vào chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta. Thi ở đây không phải chỉ để công nhận tốt nghiệp, mà qua đó để kiểm tra xem nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học ở phổ thông thế nào để điều chỉnh.
Trước băn khoăn nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, ông Nhạ lý giải có nhiều lý do, trong đó có lý do là vẫn dùng điểm thi kết hợp với điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. Vừa qua, điểm học bạ gần như “phao cứu sinh” để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp. Tuy nhiên, từng bước sẽ phải tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở một mức độ nhất định để làm sao ý nghĩa của kỳ thi phải thực sự trở về đúng bản chất, thực chất.
Điều thứ hai, theo Bộ trưởng, là chất lượng của đề thi, bài thi phải được hoàn chỉnh tăng cường số lượng câu hỏi chuẩn hóa, mức độ đề thi phải sát chuẩn kiến thức kỹ năng của THPT. Trên cơ sở đó các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả đó là tùy các trường.
Ông Nhạ khẳng định đây là kỳ thi THPT, do vậy mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT. "Nghĩa là làm sao gắn sát với THPT nhưng tổ chức minh bạch, công khai, đúng thực chất, để các trường đại học, cao đẳngcó thể có căn cứ vào kết quả đó và có thể dùng nhiều phương thức khác để tuyển sinh đầu vào chứ không chỉ có kết quả này là kênh tuyển sinh duy nhất", ông Nhạ lý giải thêm.
Nhấn mạnh việc “kỳ thi từ năm tới đây sẽ không phải để phục vụ cho 2 mục đích đồng thời, mà phục vụ cho tốt nghiệp THPT”, ông Nhạ lưu ý đề thi sẽ không phải ra đề phục vụ mục đích “2 trong 1”,mà phục vụ để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó, các trường đại học, cao đẳng sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác.
"Nếu chúng ta giao cho địa phương tổ chức kỳ thi này thì bệnh thành tích sẽ còn kéo dài và như vậy tốt nghiệp sẽ gần như hết. Chúng tôi vẫn bảo lưu cần phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng cần phải cải tiến làm sao sát với mục tiêu của nó", ông Nhạ nói.
Ngoài ra, theo ông Nhạ, có tâm lý không thi thì thì không học. Vừa qua có những môn điểm thi rất thấp như môn lịch sử, tiếng Anh… có nguyên nhân về phương pháp và nội dung chương trình môn học.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo