Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tránh tình trạng hợp đồng giáo viên theo mùa vụ, theo tiết học"

“Giáo viên phải có chế độ chính sách và tuyển dụng ổn định thì mới yên tâm cống hiến với công việc, đúng với chuyên môn nghiệp vụ. Tránh tình trạng hợp đồng giáo viên theo mùa vụ, theo tiết học”.

Bộ GDĐT giải trình về sách giáo khoa, sách VNEN, tài liệu Công nghệ Giáo dục / Hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí khi thông báo điểm học tập

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội vừa qua.


Nhiều giáo viên hợp đồng khốn khổ dạy theo mùa vụ, tiết học (Ảnh: minh họa)

Nhiều giáo viên hợp đồng "khốn khổ" dạy theo mùa vụ, tiết học (Ảnh: minh họa)

Giáo viên hợp đồng theo tiết học?

Do tình trạng thiếu giáo viên nên một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành. Chính vì vậy, đã gây bức xúc trong một số giáo viên.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, tỉnh Ninh Thuận nêu cái khổ bất cập của giáo viên hợp đồng. Bà Hương cho hay, theo báo cáo, các tỉnh đề xuất số biên chế đề nghị bổ sung là 40.447 giáo viên. Việc thiếu số lượng giáo viên lớn thế này sẽ dẫn đến việc phải hợp đồng giáo viên để dạy. Chính vì dạy hợp đồng nên nảy sinh nhiều bất cập bởi vì hiện nay, chủ yếu giáo viên dạy theo tiết học. Mỗi tiết học, giáo viên chỉ được mấy chục nghìn. Có giáo viên được 35.000đ/tiết học, số tiền này tùy từng cấp học.

Với giáo viên mới ra trường được hợp đồng mà làm nhiệm vụ ở phòng thí nghiệm thì chỉ được 2.100.000đ/tháng. Rõ ràng chính sách này rất bất cập so với giáo viên biên chế và nhất là giáo viên biên chế lâu năm thì lương rất cao.

Bà Hương cho rằng, chính vì việc này dẫn đến tâm lý các trường muốn giữ biên chế lại để hợp đồng giáo viên. Có ngân sách nhưng giữ lại để cho vấn đề khác. Chính sách hợp đồng này rất bất cập cho giáo viên và rất tội nghiệp. Hè họ không có lương. Tính ra mỗi tháng họ chỉ được vài triệu đồng, hoặc 2 triệu đổ lại, có giáo viên chỉ được hơn 1 triệu/tháng. Vì muốn có công việc nên vẫn đi dạy.

 

Thậm chí có trường hợp năm nay có hợp đồng, hoặc học kỳ I được hợp đồng nhưng qua kỳ II hoặc năm sau lại không được hợp đồng. Thế là tạo ra tâm lý có việc làm phải chạy.

Đại biểu Hương đặt câu hỏi với Bộ Nội Vụ và Bộ GD&ĐT tại sao có chính sách hợp đồng giáo viên như vậy? Chính sách hợp đồng giáo viên như vậy có phù hợp với ngành giáo dục hay không?

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GDTTN&NĐ của Quốc hội cho rằng, quan điểm của chúng ta giáo dục là quốc sách, không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá “quốc sách” là như thế nào. Và nếu trong trường hợp các quy định đều nói rằng y tế, giáo dục đều cắt giảm 10% như các ngành khác thì không đáp ứng được thực tế. Ông Bình đặt câu hỏi, quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này như thế nào? Hay đánh giá chung đều là viên chức nên “cắt” như nhau khi nhà nước gọi là quốc sách và dành 20% ngân sách cho giáo dục?

Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ năm 2015 về trước, biên chế sự nghiệp giao cho UBND các tỉnh. UBND các tỉnh trên cơ sở quy định định mức của các ngành, lĩnh vực trình HĐND cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp. Việc hợp đồng giáo viên đều xảy ra từ 2015 về trước. Vấn đề giảm biên chế hiện nay là đều so với 2015.

Ông Thăng cho rằng, việc các địa phương có biên chế nhưng vẫn làm hợp đồng là trách nhiệm của địa phương rất lớn. Bộ Nội vụ xây dựng thể chế của Luật Viên chức, đặc biệt là Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quy định trước khi tỉnh thẩm định biên chế phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ. Cho nên từ 2016 đến nay Bộ Nội vụ mới thẩm định vấn đề này. Còn trước đây là giao thẩm quyền của địa phương.

 

Cũng theo ông Thăng, Luật Viên chức yêu cầu tuyển dụng phải công khai minh bạch. Ai có đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký, không phải chỉ thi tuyển cho những người làm hợp đồng. Do đó, giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm. Về tinh giản biên chế, yêu cầu giảm 10% tổng biên chế. Các địa phương căn cứ vào đó để tính toán giáo dục, y tế có thể chỉ giảm 5%, các ngành khác giảm hơn 10%, để làm sao tổng số là 10%.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về quy chuẩn và chất lượng giáo viên

Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khi đặt vấn đề coi giáo viên như một viên chức, thì gây ra bất cập lớn trong việc tính hưởng lương theo thâm niên và theo yêu cầu cơ bản về bằng cấp, chuyên môn. Nhưng đối với giáo viên, không thể tính như vậy, đơn cử như nhiều giáo viên mới ra trường nhưng trình độ rất giỏi về mặt chuyên môn thì cũng phải để họ hưởng chế độ theo ngạch viên chức. Như vậy mới tạo động lực cao hơn trong công tác.

Đặc biệt, đối với giáo viên mầm non, hết sức vất vả nhưng do họ chỉ đạt chuẩn xếp hạng bậc trung cấp nên mức lương khởi điểm rất thấp, càng khó khăn hơn trong việc tính toán hưởng chế độ, chính sách tạo ra nhiều bất cập.

“Tôi mong bài toán này sẽ được giải quyết triệt để trong lần thay đổi lớn về giáo dục tới đây. Phải thể hiện được vị thế của nhà giáo nói chung, phải khác với viên chức thông thường, từ đó sẽ giải quyết được bài toán giáo dục” – ông Nhạ nhấn mạnh.

 

Theo ông Nhạ, việc sử dụng và tuyển dụng giáo viên theo chế độ chính sách và Bộ GD&ĐT đã quy định, đối với các đơn vị tự chủ là do người đứng đầu cơ quan quyết và các đơn vị chưa tự chủ thì phụ thuộc vào cấp trên ở địa phương quyết định. Như vậy cần phối hợp cùng đề nghị đề xuất tạo tính đồng bộ cao hơn.

Nhưng trên thực tế, việc xây dựng chế độ chính sách trong luật công chức, viên chức và tuyển dụng tại địa phương, có trường hợp 400 - 500 giáo viên hợp đồng rồi kết thúc khi hết năm học, không được tăng biên chế, lại tăng số lượng hợp đồng theo tiết. Đây chính là vấn đề sử dụng hợp đồng lao động ở các địa phương cần rà soát lại. Bởi vì, việc này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của giáo dục.

“Bộ GD&ĐT không đồng tình với cách tuyển dụng như vậy. Giáo viên phải có chế độ chính sách và tuyển dụng ổn định thì mới yên tâm cống hiến với công việc, đúng với chuyên môn nghiệp vụ. Tránh tình trạng hợp đồng theo mùa vụ, theo tiết học” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Ông Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã cho rà soát số lượng thừa thiếu giáo viên của từng môn học, từng bậc học tiến tới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông đổi mới tới đây. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đang xây dựng phần mềm thống kê số lượng giáo viên và ban hành chuẩn giáo viên trên hệ thống trực tuyến. Nhằm nắm bắt các thông số, giúp đưa ra dự báo thừa thiếu giáo viên giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang thực hiện rà soát và dự đoán lượng gia tăng của dân số để theo dõi sự biến động sĩ số cấp học đầu tiên. Đồng thời Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn các địa phương về dồn các trường liên cấp. Đặc biệt đối với Nghị quyết 29 do Ban Chấp hành TƯ ban hành là nhiệm vụ thực hiện của toàn dân thì càng cần được chú trọng nhiều hơn. Nhất là đối với bậc mầm non số giáo viên được đo bằng số trẻ trên một lớp và có hệ số rất rõ ràng.

 

Bộ trưởng Nhạ thông tin thêm, Bộ GD&ĐT chuẩn bị đề xuất trong Luật về nhà giáo, đảm bảo chế độ đãi ngộ thang bảng lương đối với giáo viên có thêm những ưu tiên phù hợp với thực tế và Nghị quyết TƯ 8 Khoá 11 đã ban hành trước đây.

Theo đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về quy chuẩn và chất lượng giáo viên, Bộ Nội vụ sẽ có những chế độ, chính sách phù hợp hơn nhằm phối hợp giữa 2 Bộ với nhau.

Theo rà soát mới đây, số lượng giáo viên mầm non đang thiếu nhiều, nhưng 3 năm gần đây số lượng biên chế vẫn không tăng. Dẫn đến tình trạng các địa phương phải căn chỉnh, co kéo nên mới sinh ra hệ quả về số lượng giáo viên mang tính hợp đồng thời vụ.

“Trong sửa Luật Viên chức tới đây Bộ GD&ĐT đề nghị phải đưa quy định riêng với nhà giáo để thể hiện được sự quan tâm cũng như khẳng định vai trò, vị thế của giáo viên” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm