Bộ Y tế không thể đấu thầu tập trung vaccine sản xuất trong nước
DNVN - Do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với các vaccine Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sản xuất trong nước, để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện mua sắm vaccine từ nguồn ngân sách địa phương.
Thu hút kiều hối, cần chính sách thuận lợi như FDI / "Hiến kế" bảo đảm cung ứng an toàn điện, nước mùa khô 2023
Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, Bộ thực hiện mua sắm thông qua hình thức đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với các loại: thuốc lao, thuốc ARV và vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) và có thể tiếp tục thực hiện ngay cả khi không được bố trí ngân sách Trung ương.
Đối với 9 loại vaccine sản xuất trong nước, do các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là doanh nghiệp Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu và khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Như vậy, Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vaccine sản xuất trong nước, ngay cả khi Bộ Y tế được bố trí ngân sách Trung ương.
Về cơ chế mua theo phương thức đặt hàng, theo quy định, UBND tỉnh quy định “giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi nhiệm vụ mua vaccine được chuyển về địa phương, thì thẩm quyền đặt hàng của địa phương là phù hợp với các quy định.
Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vaccine sản xuất trong nước, ngay cả khi Bộ Y tế được bố trí ngân sách Trung ương.
Theo quy định này, trường hợp không được bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine sẽ có vướng mắc. Cụ thể, Bộ Y tế không có thẩm quyền đặt hàng cũng như xác định giá đặt hàng. Bộ Y tế đặt hàng 9 loại vaccine sản xuất trong nước. Từ năm 2022 trở về trước, do Bộ Y tế được giao kinh phí ngân sách Trung ương nên có thẩm quyền đặt hàng.
Bộ Tài chính không có thẩm quyền phê duyệt giá khi Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Tài chính không phê duyệt đơn giá đặt hàng khi thanh toán bằng nguồn ngân sách địa phương, chỉ phê duyệt đơn giá khi đặt hàng, thanh toán bằng nguồn ngân sách Trung ương.
Bộ Y tế cho rằng, đối với vaccine sản xuất trong nước, nếu giao cho Bộ Y tế mua thì không thể thực hiện đấu thầu. Do đó, trường hợp mua theo phương thức đặt hàng, các địa phương cần đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế, thực hiện uỷ quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí. Sau đó, Bộ Y tế tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định.
Các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Để thực hiện phương thức này, theo Bộ Y tế cần phải thực hiện một trong 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và Điều 7 Nghị định 32/2019/NĐ-CP thành: Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, việc sửa các nghị định sẽ mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
Phương án 2: Ban hành Nghị quyết của Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước trong chương trình TCMR.
Đối với vaccine nhập khẩu (trừ Rota), Bộ Y tế cho rằng, sử dụng nguồn viện trợ hoặc đấu thầu tập trung theo quy định hiện hành và không có vướng mắc.
Đối với 10 loại vaccine sản xuất trong nước (trong đó có Rota sản xuất trong nước), Bộ Y tế đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng.
Do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật đấu thầu đối với các vaccine TCMR sản xuất trong nước, để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình TCMR từ nguồn ngân sách địa phương.
Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình TCMR từ năm 2024.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo