Tin tức - Sự kiện

Các làng nghề truyền thống Quảng Bình hối hả vào vụ Tết

Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, đây là thời điểm mà người người, nhà nhà sắm Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao hơn bình thường. Nhằm phục vụ thị trường Tết, nhiều làng nghề truyền thống tại tỉnh Quảng Bình đang tập trung sản xuất các mặt hàng với không khí nhộn nhịp.

Đau bụng dai dẳng, đến Thiện Nhân Đà Nẵng phát hiện lao đường ruột kèm lao phổi / Gỡ khó cho phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Chú thích ảnh
Một số hộ gia đình tại làng bánh tráng Tân An vẫn tráng bánh thủ công.

Ghi nhận tại làng hương trầm truyền thống hàng trăm năm tuổi (thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) không khí làm hương khá sôi động, nhà nào cũng hối hả làm, đóng gói sản phẩm để kịp cung ứng thị trường Tết. Khi đi qua cổng làng, người ta dễ ngửi thấy mùi hương trầm thơm ngào ngạt; tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân đang tận dụng khoảng trống sân nhà, vườn để đem hương ra phơi nắng.

Anh Trần Đình Doãn, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, nghề hương trầm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, lớp sau nối nghề của thế hệ đi trước. Quanh năm, bà con làm nhiều công việc thời vụ khác nhau, song cứ dịp giáp Tết, người dân lại tập trung sản xuất hương trầm để cung ứng thị trường Tết. Trung bình mỗi gia đình có thể thu về từ 30 – 40 triệu đồng từ làm hương trầm bán dịp Tết, những nhà làm nhiều thu nhập cả trăm triệu đồng, vừa tăng thu nhập, vừa giữ lửa làng nghề truyền thống của cha ông.

Hơn 20 năm làm nghề hương trầm, bà Nguyễn Thị Ngọc, thôn Quyết Thắng cho biết, dịp Tết gia đình bà mỗi ngày làm khoảng 3.000 - 4.000 cây hương trầm. Để làm nên cây hương trầm đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu, trải qua các công đoạn công phu. Các loại thảo mộc như lá hương reng, gốc trầm hương, quế chi… là thành phần làm ra bột hương; bột hương được nghiền nhuyễn rồi trộn với mạt cưa (mùn cưa) và keo theo tỉ lệ chuẩn để hình thành nên cây hương. Trước đó từ nhiều tháng, người dân đã mua tre non đem về chẻ mỏng, phơi khô.

Theo bà Ngọc, nghề làm hương tại thôn Quyết Thắng đã tồn tại hơn 300 năm nay, đến cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là "Làng nghề sản xuất hương trầm". Hương trầm thôn Quyết Thắng có những đặc trưng riêng, do người làm hương luôn tuân thủ nghiêm các công đoạn sản xuất, sao cho cây hương có mùi thơm dịu nhẹ, cháy đượm lâu tàn. Đặc biệt, nguyên liệu làm hương được lấy từ trên rừng đem về rồi làm thủ công, không được làm máy móc, không độc hại.

Ông Lưu Đức Huấn Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết, thôn Quyết Thắng hiện có 273 làm nghề làm hương trầm, từ nghề truyền thống này, nhiều hộ gia đình nơi đây đã thoát được nghèo. Dịp Tết, mỗi bó hương gồm có 100 que, có giá từ 150 đến 170 nghìn đồng. Hiện, địa phương đang lên kế hoạch xây dựng hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm chất lượng, thương hiệu làng nghề hương trầm Quyết Thắng.

Chú thích ảnh
Người dân dùng máy cắt bánh tráng Tân An để đóng gói sản phẩm.

Còn tại làng nghề truyền thống bánh tráng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch), người dân cũng đang gấp rút sản suất để có nguồn hàng phục vụ thị trườngTết; khắp các ngõ, ngách trong làng, nơi đâu cũng thấy người dân tận dụng khoảng trống đặt các sạp phơi bánh tráng. Đây là sản phẩm OCOP 3 sao và hiện có 366 hộ gia đình tại làng Tân An đang làm nghề bánh tráng.

Bà Ngô Thị Tâm, làng Tân An, xã Quảng Thanh cho biết, bánh tráng Tân An là sản phẩm truyền thống từ lâu đời được người dân và các nhà hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng đặt mua. Gia đình bà có 5 người làm nghề truyền thống này từ hàng chục năm nay. Những ngày dịp giáp Tết, mỗi ngày gia đình bà tráng khoảng 500 – 700 bánh từ 1,5 đến 3 tạ bột, tùy vào thời tiết. Trung bình mỗi ngày, người dân có thể thu nhập từ 200 – 500 nghìn đồng từ làm bánh tráng, ngày lễ Tết thu nhập lên đến cả triệu đồng.

Theo bà Ngô Thị Tâm, các thành viên trong gia đình bà phải dậy từ 4 giờ sáng để xay gạo ra bột và lấy ngô trộn vào để có màu vàng. Sau đó, tráng bằng máy, đem phơi trên các tấm sạp làm bằng tre, khi bánh phơi đủ nắng sẽ đem vào gỡ ra và cắt thành từng xấp đóng vào từng gói, mỗi gói gồm 5 xấp với 100 cái bánh tráng.

 

Anh Nguyễn Sỹ Hiệp, chủ một cơ sở bánh tráng khá lớn tại làng Tân An chia sẻ, mỗi cái bánh tráng Tân An có giá 5 nghìn đồng, dịp Tết nhu cầu bánh tráng Tân An rất lớn, cơ sở đã nhận các đơn đặt hàng từ các nhà hàng trong tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh phía Nam. Để đáp ứng thị trường Tết, gia đình đã phải làm tăng số lượng hàng lên gấp đôi so với ngày thường, lượng nhân công cũng được huy động tối đa để kịp sản xuất các đơn đặt hàng. Tuy sản xuất với số lượng nhiều hơn ngày thường, song cũng chú trọng chất lượng sản phẩm lên trên hết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Thị Ngọc Thủy cho biết, làng nghề truyền thống bánh tráng Tân An nằm bên bờ sống Gianh không chỉ là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong dịp Tết mà còn lưu giữ nét văn hóa, truyền thống, đặc trưng riêng của địa phương. Để giữ và phát triển làng nghề truyền thống này, huyện Quảng Trạch đã khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng; trong đó, chú trọng khâu vệ sinh an toàn thực phấm, bao bì, nhãn mác. Bên cạnh đó, địa phương cũng có chương trình khuyến nông, khuyến công xem xét các cơ chế hỗ trợ để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặc biệt là khách du lịch khi đến với huyện Quảng Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Theo ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh có 30 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận đang hối hả vào vụ Tết, qua đó góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, khó khăn của các làng nghề hiện nay là tìm lao động trẻ tâm huyết, muốn giữ nghề truyền thống để tạo sinh kế, thu nhập ổn định hàng năm. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra của sản phẩm từ các làng nghề hiện nay cũng rất khó khăn nếu không đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình và các địa phương tiếp tục hỗ trợ các làng nghề trong việc mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề truyền thống đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu, quảng bá để sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường lớn trong và ngoài nước.

Song song đó, các địa phương tỉnh Quảng Bình tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ phong trào xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Qua đó, có các cơ chế khuyến khích các nghệ nhân làng nghề đẩy mạnh sản xuất và truyền dạy nghề truyền thống của cha ông, thổi hồn, thổi văn hóa làng quê vào trong những sản phẩm mang tính riêng của địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm