Tin tức - Sự kiện

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ

DNVN - Tại “Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài”, sáng 22/4, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam kiến nghị trước Thủ tướng Phạm Minh Chính một loạt các vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là gỡ vướng về thủ tục hành chính và thuế.

Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài / Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân

Đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nitin Kapoor- Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang cho thấy những nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài.

Các thành viên VBF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy FDI và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam với hơn 221.000 thành viên đến từ 14 Phòng thương mại và 13 nhóm công tác.

“Chúng tôi đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới”, ông Nitin Kapoor nói.

Ông Nitin Kapoor- Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, Việt Nam đã kịp thời thành lập 3 tổ công tác gồm: Nhóm công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, nhóm công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản và Tổ công tác xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời mở cửa biên giới Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Cần giải quyết nút thắt về giấy phép cho lao động nước ngoài

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho rằng, với ý nghĩa quan trọng của việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam nên tiếp tục tập trung trở thành điểm thu hút nhân tài chất lượng cao và đội ngũ quản lý có kinh nghiệm.

Theo đó, Chính phủ cần hành động quyết liệt để thu hút và giữ chân nhân tài cũng giống như gieo mầm thịnh vượng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải giải quyết nút thắt về giấy phép cho lao động nước ngoài.

“Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam”, chúng tôi rất vui khi Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cam kết sửa đổi Nghị định 152 (ngày 30/12/2020) theo hướng đơn giản hóa các thủ tục bao gồm cả quy trình xin cấp mới hoặc gia hạn giấy phép và cho các nhà quản lý nước ngoài chuyển sang vị trí chuyên gia, điều này chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả lâu dài có lợi cho đất nước về nhiều mặt”, ông Gabor Fluit chia sẻ.

Khuyến nghị về chính sách thuế

Trao đổi về vấn đề thuế và phí, Chủ tịch EuroCham hoan nghênh quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

“Theo hướng đó, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng tôi cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện”, ông Gabor Fluit đề xuất.

Hy vọng cơ chế một cửa sớm được khôi phục

Theo ông Kim Huat Ooi- Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam bị ảnh hưởng chủ yếu từ căng thẳng địa chính trị, chiến tranh Nga - Ukraine và lạm phát toàn cầu. GDP quý I/2023 thấp của Việt Nam là kết quả của điều này. Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với thế giới.

Intel Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Intel và sản lượng sản xuất của công ty đóng góp đáng kể vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua từng năm.

Cùng với đó, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) đóng góp đáng kể vào GDP của thành phố, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu và Intel là một trong những doanh nghiệp đóng góp chính.

Trong 3 năm qua, bất chấp tác động của COVID-19, giá trị xuất khẩu hằng năm của Intel chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu SHTP. Intel đã đóng góp 75 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 13 năm qua và đã tạo ra hơn 7.000 việc làm công nghệ cao.

TP Hồ Chí Minh đã trao quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao của thành phố là cơ quan một cửa cho tất cả các nhà đầu tư trong khu công nghệ cao. Đó là một trong những chỉ số thành công quan trọng thu hút quyết định đầu tư của Intel Việt Nam tại đây.

“Chúng tôi hy vọng cơ chế một cửa có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường.

Tôi tin rằng cơ chế một cửa là một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để cho phép tăng trưởng hiệu quả và bền vững”, ông Kim Huat Ooi nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm